Ngày 4-12, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp bàn giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên cây có múi, với sự tham dự của lãnh đạo Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, các chuyên gia trường Đại học Cần Thơ…
Nông dân huyện Lai Vung khốn đốn vì cây có múi bị bệnh chết tràn lan
Trước thực trạng cây có múi như quýt hồng đặc sản, quýt đường, cam… chết tràn lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn, ngày 4-12, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp bàn giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên cây có múi, với sự tham dự của lãnh đạo Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, các chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ, ngành nông nghiệp địa phương, các hợp tác xã…
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.056 ha cây có múi, trong đó huyện Lai Vung là 5.215 ha (chiếm 65% diện tích); từ năm 2016 tình trạng cây có múi bị bệnh chết xuất hiện rãi rác và nhưng năm 2017 đến nay chết tràn lan khiến nhiều nông dân lo lắng. Thống kê mới nhất ở huyện Lai Vung hiện có hơn 2.000 ha cây có múi bị nhiễm bệnh, mức độ thiệt hại từ 20%- 40%, một số diện tích thiệt hại trên 50%. Cụ thể, quýt hồng có khoảng 337 ha bị hiện tượng chết vàng, chết xanh; quýt đường có 920 ha bị bệnh; cam có 812 ha bị bệnh…”.
Trước tình hình dịch bệnh hoành hành dữ dội trên cây có múi, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng huyện Lai Vung, các chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam… khảo sát, điều tra.
Đánh giá bước đầu về nguyên nhân do pH đất vườn thấp tạo điều kiện cho vi sinh vật có hại phát triển mạnh, mưa dầm kéo dài làm cho rễ cây bị thiếu oxy, nhà vườn bón phân và thuốc hóa học chưa đúng cách, kích thích sinh trưởng với mục đích cho cây phát triển nhanh, cho trái nhiều… từ đó khiến cây bị bệnh.
Các chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ lưu ý, nhiều nông dân dùng đất ruộng để bồi gốc cho cây quýt hồng quá dày, không đúng kỹ thuật, lạm dụng nhiều phân đạm, cộng với cây giống bầu chiết tràn lan… là những vấn đề dễ phát sinh mầm bệnh trên cây có múi.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận: “Cây có múi là một trong những thế mạnh nông nghiệp của tỉnh, trong đó quýt hồng cho hiệu quả kinh tế khá cao; vì vậy nếu tình trạng dịch bệnh phát sinh nhiều sẽ khiến nông dân thiệt hại lớn. Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra là cần có biện pháp dập dịch, không để lây lan thêm, tạo sự an tâm cho nông dân. Bên cạnh đó, thí điểm các mô hình canh tác sạch, sử dụng phân hữu cơ nhằm phát triển bền vững…”
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là nhanh chóng tuyên truyền để người dân thay đổi tập quán canh tác, phải tăng cường sử dụng phân hữu cơ nhằm cải thiện đất, nâng pH cho đất, thiết kế mô trồng cao ráo thoát nước tốt… Ngoài ra, xử lý tận gốc các cây bị nhiễm bệnh, tránh lây lan.
Chỉ riêng tại huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã có hơn 2.000 ha cây có múi bị bệnh chết vàng, chết xanh
Ngọc Dân (Báo SGGP)