Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tổng diện tích lúa Hè Thu năm 2021 nhiễm sâu bệnh gây hại trong tháng 5 hơn 5.320 ha, tăng gần 4.500 ha so với tháng trước, với các đối tượng gây hại chủ yếu như hệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, đạo ôn lá, lem lép hạt, đạo ôn cổ bông, rầy nâu, sâu cuốn lá…
Ảnh minh hoạ
Theo đó, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây nhiễm hơn 860 ha, giai đoạn sinh trưởng từ làm đòng - đòng trỗ, chủ yếu trên trà lúa gieo sạ sớm vào đầu tháng 3/2021, ngoài khung lịch thời vụ, tập trung ở một số xã của huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Tân Hiệp. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang dự báo trong thời gian tới bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá có khả năng lây lan trên các trà lúa Hè Thu gieo sạ không đúng theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp khuyến cáo.
Tiếp đến, một số bệnh khác gây nhiễm nhiều trà lúa tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Châu Thành, Kiên Lương, Gò Quao, Giang Thành. Dự báo các bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông có thể tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm trên trà lúa giai đoạn từ đẻ nhánh đến đòng trỗ, nhất là những ruộng lúa gieo trồng giống nhiễm, sạ dày, bón thừa nhiều phân đạm; đối với bệnh lem lép hạt sẽ tiếp tục phát triển gây hại do ảnh hưởng thời tiết có mưa, dông gió và nắng gián đoạn.
Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các huyện hướng dẫn nông dân chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh cho lúa Hè Thu, tập trung dập tắt, không để gia tăng và giảm thiểu thiệt hại diện tích lúa đang bị nhiễm sâu bệnh gây hại, đảm bảo đạt năng suất, sản lượng theo kế hoạch đề ra.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang khuyến cáo nông dân theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy trên đồng ruộng, quản lý tốt nguồn rầy tại chỗ, ngăn chặn, tránh để rầy lây lan ra diện rộng và truyền bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá cho các trà lúa mới xuống giống. Chi cục hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp “4 đúng” diệt trừ rầy nâu như thuốc đặc trị rầy, pha đúng với liều lượng, nồng độ và phun lúc rầy cám nở rộ. Khuyến cáo nông dân tuyệt đối không sử dụng thuốc phổ tác động rộng phun xịt sẽ làm mất cân bằng sinh thái và bùng phát rầy vào cuối vụ.
Đối với các loại sâu bệnh khác, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm sâu bệnh để phòng trị kịp thời, hiệu quả. Cụ thể là khi bệnh chớm xuất hiện sử dụng loại thuốc đặc trị phun xịt theo “4 đúng”; khi phát hiện bệnh đạo ôn, ngưng ngay bón phân đạm, không pha trộn thêm phân bón lá khi phun thuốc phòng trị bệnh cho lúa. Đối với bệnh lem lép hạt, Chi cục khuyến cáo nông dân, trong giai đoạn lúa trỗ, nếu gặp thời tiết mưa bão có thể phun ngừa bằng các loại thuốc trừ bệnh phổ rộng khi lúa trỗ lác đác và phun lần 2 khi lúa trỗ đều.
Đến thời điểm này, nông dân Kiên Giang đã gieo sạ lúa Hè Thu hơn 211.650 ha, đạt 76% diện tích kế hoạch gieo trồng. Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo xuống giống dứt điểm vụ lúa Hè Thu trong nửa đầu tháng 6 này.
Ngành chức năng khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao gieo trồng, theo dõi tình hình khí tượng thủy văn và diễn biến nắng hạn, xâm nhập mặn, mưa bão để quản lý vận hành các cống ngăn mặn kịp thời phục vụ cho sản xuất, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật chủ động ứng phó với tình hình hạn, mặn và dịch bệnh, sản xuất vụ lúa Hè Thu an toàn, hiệu quả.
Lê Huy Hải (TTXVN)