Nghiên cứu cho thấy dây khoai lang sau khi phơi khô từ 10 -15 ngày đạt độ ẩm 13-15%, tương đương rơm rạ, sử dụng trồng nấm rơm mang lại hiệu quả cao.
Sau mỗi vụ thu hoạch, khối lượng dây khoai lang trên cánh đồng tại Vĩnh Long rất lớn, khoảng 100.000 tấn. Ảnh: Minh Đảm.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long đã thử nghiệm thành công phương pháp sản xuất nấm rơm từ dây khoai lang. Đây là một trong những cách làm mới giúp đa dạng hoá nguồn nguyên liệu trồng nấm rơm, tiềm năng thay thế rơm rạ.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, huyện Bình Tân có diện tích sản xuất cây khoai lang hằng năm 14.000ha. Sau khi thu hoạch củ, khối lượng dây khoai lang còn trên đồng rất lớn, khoảng trên 100.000 tấn/vụ. Lượng phụ phẩm này không được xử lý phù hợp dễ gây ô nhiễm môi trường.
Dây khoai lang được đánh rất giàu dinh dưỡng và đã được nghiên cứu ủ chua để làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, lượng sử dụng vì mục đích này cũng không nhiều nên nguồn phụ phẩm còn lại vẫn lớn, có tiềm năng sử dụng để trồng nấm rơm nếu đựợc xử lý phù hợp.
Bà Trương Thị Mỹ Lộc, Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu trồng nấm rơm từ dây khoai lang (Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long) cho biết: Ban chủ nhiệm đề tài tiến hành nghiên cứu việc sản xuất nấm rơm (Volvariella volvacea) từ dây khoai lang tại huyện Bình Tân.
Mục tiêu đề tài nhằm nghiên cứu, khảo nghiệm bước đầu về phương pháp cơ bản xử lý dây khoai lang thành cơ chất phù hợp để sản xuất nấm rơm. Từ đó, nghiên cứu đã tìm ra tỷ lệ phối trộn cơ chất phù hợp nhất nhằm đề xuất bước đầu quy trình sản xuất nấm rơm từ dây khoai lang cho năng suất, chất lượng tốt nhất, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Qua nghiên cứu cho thấy trong thời gian mùa khô, nhất là vụ xuân hè, với điều kiện nắng nóng liên tục, dây khoai lang được xử lý phơi khô từ 10-15 ngày đạt độ ẩm cân bằng 13-15% phù hợp để làm cơ chất trồng nấm.
Sử dụng dây khoai lang trồng nấm rơm mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ảnh: Hữu Đức.
Việc sử dụng dây khoai lang để trồng nấm rơm mang lại hiệu quả hơn trồng từ rơm khi người dân có thể tận dụng diện tích tại ruộng khoai của mình để xử lý (phơi dây), ủ dây và chất nấm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điều này phù hợp với những hộ dân canh tác luân canh theo cơ cấu lúa - khoai lang hoặc khoai lang - cây rau màu khác, vừa tạo điều kiện tận dụng nguồn dây khoai lang vừa luân canh cắt đứt nguồn lưu tồn sâu bệnh hại trong đất.
Bên cạnh đó, sử dụng nguồn phụ phẩm dây khoai lang để sản xuất nấm rơm mang lại nhiều lợi ích như giúp giảm thiểu đáng kể việc ô nhiễm môi trường đất, nước và bảo vệ sức khỏe con người. Đặc biệt, cách làm này còn tận dụng được nguồn phân hữu cơ, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Song song đó, đề tài nghiên cứu còn góp phần đa dạng thêm nguồn nguyên liệu trồng nấm, mở ra hướng đi mới, cách làm mới cho nông dân nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu phụ phẩm dây khoai lang dồi dào và ổn định để phát triển nghề trồng nấm rơm.
Cũng theo bà Trương Thị Mỹ Lộc, hiện nay, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện quy trình nghiên cứu để chuyển giao kỹ thuật đến các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
MINH ĐẢM - HỮU ĐỨC