Khắc phục hiện tượng cháy lá cây sầu riêng

BẾN TRE - UBND xã Vĩnh Bình phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) vừa tổ chức hội thảo khắc phục hiện tượng cháy lá, rụng lá trên cây sầu riêng.

Nhận diện nguyên nhân

Theo ông Bùi Thanh Liêm, nguyên Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng có nhiều nguyên nhân như do nắng nóng, tưới nước nhiễm mặn, rầy gây hại, nấm bệnh tấn công, ngộ độc phân bón, ngộ độc paclobutrazol, phun thuốc quá liều, hệ thống rễ yếu. Đặc biệt trong mùa khô thường xảy ra hiện tượng cháy lá.

Để hạn chế cháy lá do nắng nóng, bà con cần tưới đủ nước, che chắn cho cây nhỏ. Đối với cháy lá do hạn mặn cần tăng cường dinh dưỡng, đặc biệt là thuốc điều hòa sinh trưởng (có hai hoạt chất brassinolide và salicylic) để tăng sức chống chịu cho cây.

Khi có hiện tượng cháy lá do rầy, cần phun thuốc phòng trừ theo nguyên tắc "4 đúng", phải đổi thuốc và thuốc có hoạt chất loang trải, thấm sâu và bám dính.

Đối với cháy lá do nấm bệnh, cần dùng thuốc thấm sâu, bón vôi để hạn chế nấm phytophthora. Ngoài ra, bà con không nên bón phân, pha thuốc và phun paclobutrazol quá liều lượng khuyến cáo. Đối với cây bị cháy lá do ho hệ thống rễ yếu, cần tìm hiểu nguyên nhân chính xác đến từ yếu tố nào, chẳng hạn như đất đai, canh tác, sâu bệnh, nhện… để có biện pháp khắc phục phù hợp.

Khắc phục cháy lá do hạn mặn

Thông tin cụ thể về giải pháp khắc phục hiện tượng cháy lá do hạn mặn, ông Đinh Tấn Thừa, công tác tại Trạm Khuyến nông và Tư vấn Dịch vụ nông nghiệp khu vực Mỏ Cày Bắc – Chợ Lách cho biết, cần phải có sự chuẩn bị trước để tránh thiệt hại, giảm thiệt hại đến mức tối thiểu.

Sầu riêng bị cháy lá do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do ảnh hưởng hạn mặn. 

Sầu riêng bị cháy lá do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do ảnh hưởng hạn mặn. 

Trước hạn mặn, cần theo dõi thông tin dự báo hạn mặn thường xuyên, chuẩn bị nước tưới (dành 10% diện tích vườn để trải bạt tích nước), bố trí mùa vụ (thu hoạch trước Tết).

Trong thời gian mặn, cần tưới nước tiết kiệm, không nên tưới nước bị nhiễm mặn, chú trọng bổ sung một số chất cho cây để tăng sức chống chịu mặn như brassinolide và salicylic, không nên sử dụng phân bón lá chứa nhiều đạm, tỉa bớt bông và trái nếu không đủ nước tưới.

Sau hạn mặn, nếu cây bị cháy lá bà con cần kiểm tra pH đất bởi hạn mặn dễ khởi dậy phèn tiềm tàng. Đồng thời kiểm tra EC (độ dẫn điện) của đất. Trên sầu riêng, EC thích hợp từ 0,8 - 1,2, nếu trên 1,2 thì có thể có quá nhiều kim loại trong đất, đặc biệt sau mùa hạn mặn có thể là dấu hiệu đất nhiễm mặn.

Nếu pH thấp thì nên bón vôi, lân để hạ phèn. Đối với trường hợp EC quá cao có thể bón phân hữu cơ vi sinh để cải tạo kết cấu của đất, bón vôi để rửa mặn. Bà con cũng lưu ý trên thị trường hiện chưa có sản phẩm nào chuyên dùng để giải độc mặn.

“Vườn bị mặn phải mất đến 3 tháng mới phục hồi. Trước khi xử lý ra hoa sầu riêng cần phải kiểm tra pH (tối thiểu phải từ 5,5) và EC (0,8 - 1,2). Nếu hai điều kiện chưa đạt đậy mũ sẽ xảy ra hiện tượng rụng bông, rụng trái”, ông Đinh Tấn Thừa chia sẻ.

Chuyên gia khuyến cáo không nên tưới nước nhiễm mặn cho cây sầu riêng, đặc biệt là cây giống. nong duoc viet nam

Chuyên gia khuyến cáo không nên tưới nước nhiễm mặn cho cây sầu riêng, đặc biệt là cây giống. Ảnh: Minh Đảm.

Bón phân cân đối, phun thuốc theo nguyên tắc "4 đúng"

Ông Trương Văn Kháng, công tác tại Trạm Bảo vệ thực vật khu vực Cù Lao Minh chia sẻ, bà con nên bón phân cân đối, tránh thừa phân đạm để hạn chế bệnh cho cây.

Khi bón phân cho cây nên bón cân đối tỷ lệ N-P-K. Nếu giai đoạn đọt chỉ cần đạm và lân, một ít kali; giai đoạn ra hoa chỉ cần lân và kali; giai đoạn nuôi trái thì cần nhiều đạm và kali; giai đoạn gần thu hoạch cần hàm lượng kali cao, chẳng hạn như NPK 15-15-15, 12-11-18 tùy theo đất mà sử dụng những loại phân hợp lý.

Cũng theo ông Kháng, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là bà con bón dư phân đạm trên sầu riêng. “Thừa đạm sẽ dễ gây sâu bệnh hại, giai đoạn nuôi trái sẽ gây sượng trái”, ông Kháng nói.

Đối với việc sử dụng thuốc BVTV, bà con nông dân cần thực hiện theo nguyên tắc "4 đúng". Xác định đúng đối tượng gây hại mới mua thuốc phòng trừ kịp thời và hợp lý.

Tích trữ nước ngọt để tưới cho sầu riêng vào mùa khô, hạn chế cháy lá do khô hạn, xâm nhập mặn. nong duoc viet nam

Tích trữ nước ngọt để tưới cho sầu riêng vào mùa khô, hạn chế cháy lá do khô hạn, xâm nhập mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Để bảo vệ sức khỏe, người phun thuốc phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như khẩu trang, găng tay, mắt kính, mặc áo dài tay. “Tuyệt đối không nên nhậu trước và sau khi phun thuốc. Uống rượu bia sẽ thở nhiều, mệt nhiều, hít thở dễ gây ngộ độc. Sau khi phun thuốc về cũng không nên nhậu do đã mệt, tim đập mạnh, dễ gây hại sức khỏe”, ông Kháng khuyến cáo.

Tỉnh Bến Tre có khoảng 2.760ha sầu riêng, trong đó 1.935ha đang cho quả. Riêng huyện Chợ Lách có khoảng 1.300ha sầu riêng, tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Nghĩa, Phú Phụng, Long Thới, Sơn Định, Hưng Khánh Trung B, Tân Thiềng, Vĩnh Bình… Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh, huyện thường xuyên tập huấn nên nông dân nắm rất vững kỹ thuật trồng, xử lý cây sầu riêng sau hạn mặn, cho ra quả vụ nghịch.

Minh Đảm