Ngay sau tết âm lịch năm 2017, người dân trồng điều ở các huyện Đạ Hoai, Đạ Tẻh, Nam Cát Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng phát hiện cả vườn điều bị khô toàn bộ lá, có những vạt đồi, sườn núi không còn cây nào màu xanh.
Hoa điều và quả non bị khô, giảm năng suất
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đầu năm 2017 ở các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên xuất hiện mưa trái mùa kéo dài, nhiều nơi 2 - 3 tháng có mưa liên tục đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ra hoa, thụ phấn của cây điều. Bọ xít muỗi là loài dịch hại phổ biến, gây hại nhẹ trên cây điều trong thời kỳ cây ra chồi, lá non, ra hoa đậu quả. Tuy nhiên trong điều kiện trời âm u, ẩm độ cao kéo dài như vậy bọ xít muỗi đã phát sinh rất mạnh.
Lần đầu tiên bùng phát dịch bọ xít muỗi và bệnh thán thư (do bọ xít muỗi chích hút làm lây nhiễm nấm bệnh thán thư) trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng. Theo thống kê của ngành bảo vệ thực vật, diện tích nhiễm bọ xít muỗi tính đến cuối tháng 4/2017 là 57.795ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 21.216ha; diện tích nhiễm bệnh thán thư là 53.018ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 24.402ha, giảm trung bình 15 - 20% năng suất. Các tỉnh bị hại nặng là Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Đăk Lăk…
Không chỉ gây hại trên cây điều, bọ xít muỗi còn tràn sang gây hại trên nhiều diện tích sầu riêng, ca cao, bơ, chè, cà phê chè.
Hiện các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ đã bước vào mùa khô, nhưng liên tục có mưa trái mùa. Thời điểm này cây điều đang trong giai đoạn lộc non - ra hoa - đậu quả đợt 1 nhưng diện tích nhiễm bọ xít muỗi đã trên 17.000ha, bệnh thán thư nhiễm gần 24.000ha, hầu hết là diện tích nhiễm nhẹ. Theo dự báo, chỉ từ nay đến tết âm lịch, bọ xít muỗi sẽ gia tăng mật độ rất nhanh, nhiều diện tích điều có thể bị mất trắng như năm 2017 nếu không phòng trừ.
Ngày 24/12/2018 Cục Bảo vệ thực vật đã gửi công văn số 3618/BVTV-TV đôn đốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác điều tra phát hiện sinh vật gây hại trên cây điều, nhất là bọ xít muỗi và bệnh thán thư để chủ động dự báo, tham mưu cho UBND các cấp chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng chống kịp thời.
Cây điều bị khô lá do sâu bệnh
Theo dự báo của ngành bảo vệ thực vật, bọ xít muỗi và bệnh thán thư sẽ phát sinh gia tăng gây hại mạnh trên điều giai đoạn ra lộc non - phân hóa chồi hoa, ra quả từ nay kéo dài đến tận tháng 2/2019; bọ xít muỗi và bệnh thán thư sẽ hại nặng trên diện rộng đến tận tháng 3 - 4/2019.
Do vậy, từ nay đến giáp Tết Nguyên đán là thời gian khá dài cho các địa phương tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ bọ xít muỗi hại điều, không còn chuyện bất ngờ như năm 2017 nữa.
Ngọc Khanh (Báo Nông nghiệp Việt Nam)