Những ngày tháng Chạp, nếu có dịp đến huyện Tân Phước (Tiền Giang) chúng ta sẽ chứng kiến nhiều nhà vườn trồng khóm (dứa) tất bật thu hoạch trái.
Khóm Tân Phước vào vụ tết. |
Rộn ràng nhất là dọc theo các lộ xe nơi nào cũng chất đầy khóm chờ thương lái đến giao hàng. Dưới sông, xuồng ghe chở khóm tấp nập ngược xuôi khiến không khí làng quê trở nên nhộn nhịp khác thường.
Tân Phước là một trong những nơi trồng khóm nổi tiếng nhất ở miền Tây. Hiện toàn huyện có trên 16.000 ha chuyên canh khóm với sản lượng trên 200.000 tấn trái mỗi năm. Lúc mới thành lập huyện năm 1994, chỉ có vài xã trồng. Nay hầu hết đất nông nghiệp đều chuyển sang trồng khóm, nhiều nhất ở các xã Hưng Thạnh, Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ…
Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy và UBND huyện, về chuyển dịch cây trồng, vật nuôi nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực về vốn, kỹ thuật của các ngành chức năng, cùng với sự cần cù lao động của nông dân đã làm thay đổi diện mạo một vùng đất từ hoang hóa, nhiễm phèn trở thành đất chuyên canh đạt năng suất, chất lượng cao...
Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả, ngành nông nghiệp Tân Phước tập trung phát triển 3 loại cây là khóm, thanh long và mít Thái. Đây là những cây trồng có khả năng chịu đưng được đất nhiễm phèn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, từ tiềm năng và lợi thế của cây khóm, huyện đã chỉ đạo cải tạo diện tích, chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang cây khóm, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và người trực tiếp sản xuất, đồng thời góp phần gắn kết giữa sản xuất, tiêu thụ và chế biến xuất khẩu một cách đồng bộ.
Sau một thời gian canh tác, đến nay các nông hộ đều đạt kết quả như mong muốn, trong đó cây khóm được coi là cây chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo. Nhiều năm qua, tuy giá khóm có lúc cao, lúc thấp nhưng hai năm gần đây luôn giữ được mức ổn định nên người trồng rất phấn khởi. Thường cây khóm cứ ba tháng thu hoạch 1 lần. Nếu trồng đúng kỹ thuật, sau khi trừ hết các chi phí còn lãi từ 40 - 60 triệu đồng/ha/năm. Kể từ đầu tháng Chạp là mùa cao điểm nên nhà nào cũng tập trung thu hoạch để đón tết.
Bà con thu hoạch khóm. |
Ông Trần Văn Thy, ngụ tỉnh Bến Tre sang đây lập nghiệp đã 20 năm, phấn khởi nói: “Đất phèn ở đây rất thích nghi với cây khóm và con cá. Ban đầu tôi chỉ khai thác 5 công, sau nhiều năm tích lũy vốn và kinh nghiệm, nay tôi đã có trong tay 100 công đất, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt năm nay nhờ trúng mùa lại được giá nên sẽ có một cái tết vui vầy”.
Chị Võ Thị Phượng Ngân, quê Long An cho biết thêm: “Gia đình tôi không đất sản xuất nên hai vợ chồng tới đây làm thuê cho các chủ đất mỗi ngày kiếm được gần 400.000 đồng, đủ tiền lo cho mấy đứa con ăn học.
Khóm Tân Phước không chỉ bán trái mà nhiều gia đình còn chế biến làm kẹo khóm và nước màu khóm. Kẹo khóm là sản phẩm đặc trưng của Tân Phước dùng toàn nguyên liệu thiên nhiên như khóm tươi, đậu phộng. mè, gừng và đường cát rất thơm ngon. Đây là sản phẩm sạch, hoàn toàn không dùng chất bảo quản nên khách hàng rất ưa chuộng, thường mua về làm quà cho bà con, bạn bè trong ngày tết và đám tiệc.
Huyện Tân Phước đang tìm giải pháp định hướng phát triển bền vững cho cây khóm để đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống bà con nông dân. Ông Huỳnh Tấn Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phước nhận xét: “Do điều kiện sản xuất không thuận lợi vì đất nước nhiễm phèn không thích hợp với cây lúa và các loại cây ăn trái khác nên chính quyền địa phương và ngành khuyến nông đã chọn cây khóm làm cây chủ lực giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, trong đó có không ít người vươn lên khá giả và giàu có". |
THÀNH HIỆP