Khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết, để hạn chế ảnh hưởng thiếu nước đầu vụ, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động đắp hơn 200 đập tạm thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt kết hợp quản lý, vận hành hệ thống cống thủy lợi đê biển, đê sông trên địa bàn để điều tiết, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa khô 2020 - 2021. 

Các thành viên hợp tác xã liên kết trong sản xuất, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích, hướng dẫn nông dân sử dụng giống xác nhận, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với cơ cấu nhóm lúa chính như ST24, Một bụi Đỏ, OM 5451, OM 2517… Ngoài ra, từ các nhóm lúa này, tùy theo vùng sinh thái ở các địa phương có thể lựa chọn cơ cấu giống lúa phù hợp để sản xuất an toàn, năng suất, chất lượng cao.

Tiếp đến, đơn vị chức năng kết hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung cày ải, phơi đất, cải tạo mặt bằng, vệ sinh đồng ruộng và nhất là cần giãn cách gieo sạ ít nhất là 3 tuần lễ sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân mới gieo sạ vụ Hè Thu.

Các địa phương khuyến cáo, hướng dân nông dân gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch hại, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá từ vụ Đông Xuân 2020 - 2021 sang, mật độ gieo sạ từ 80 - 100 kg giống/ha. Hướng dẫn nông dân tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, cơ giới hóa trong bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, phòng trừ dịch hại tổng hợp…

Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức cho nông dân liên kết sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”, chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa cho nông dân.

Vụ lúa Hè Thu 2021, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo trồng 280.000 ha theo hướng an toàn và hiệu quả, phấn đấu năng suất bình quân 5 - 6 tấn/ha, góp phần đạt sản lượng lúa thu hoạch năm 2021 hơn 4,2 triệu tấn. Đến thời điểm này, nông dân đã gieo sạ lúa Hè Thu sớm khoảng 42.200 ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Hòn Đất, Tân Hiệp, Giang Thành và thành phố Rạch Giá.

Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang xây dựng và triển khai lịch gieo sạ và các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất vụ lúa Hè Thu 2021 phù hợp với nguồn nước ở từng vùng, tiểu vùng sinh thái để đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả, hạn chế thiệt hại.

Theo đó, khung lịch thời vụ gieo sạ lúa Hè Thu 2021 của tỉnh Kiên Giang, gồm 4 đợt, đợt 1 (20 - 30/3/2021), xuống giống ở một số vùng ở các huyện như Vĩnh Phú, Vĩnh Điều (Giang Thành); Hòa Lợi, Hòa An, Hòa Hưng, Thạnh Hưng, Thạnh Lộc, Thạnh Phước, Ngọc Thuận, Ngọc Hòa (Giồng Riềng); Mong Thọ, Giục Tượng, Thạnh Lộc (Châu Thành).

Đợt 2 (15 - 30/4/2021), xuống giống trên địa bàn huyện Tân Hiệp và diện tích còn lại của các huyện Giang Thành, Giồng Riềng, Châu Thành.

Đợt 3 (10 - 25/5/2021), xuống giống ở các vùng phía bắc Quốc lộ 80 của vùng Tứ giác Long Xuyên, diện tích còn lại các huyện vùng Tây sông Hậu và huyện Gò Quao. Đợt 4 (30/5 - 20/6/2021), xuống giống ở các vùng phía nam Quốc lộ 80 của vùng Tứ giác Long Xuyên, khu vực ven sông Cái Bé, sông Cái Lớn và các huyện vùng sản xuất U Minh Thượng.

Lê Huy Hải (TTXVN)