Tin tức nông nghiệp cách đây 4 ngày 0 No comments
Nhóm giống lúa cho gạo thơm, đặc sản (RVT, ST 20, ST 24, Đài Thơm 8, Jasmine 85), nhóm giống hạt tròn Japonica (ĐS 1) và nếp… các địa phương nên giảm diện tích gieo sạ trong vụ hè thu 2019 và chỉ nên sản xuất khi có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp.
Trong khi toàn tỉnh còn gần 60% diện tích lúa đông xuân chưa thu hoạch thì một số nơi nông dân đã vội vàng xuống giống sớm ngoài lịch vụ hè thu hơn 10.000 ha, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh
Đó là khuyến cáo được lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang đưa ra tại Hội nghị sơ kết lúa vụ mùa và đông xuân 2018-2019 và triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ hè thu năm 2019, do đơn vị này tổ chức sáng 11/3, tại TP Rạch Giá.
Theo báo cáo, vụ mùa (chủ yếu trên nền đất luân canh lúa - tôm), toàn tỉnh gieo cấy được 64.075 ha, đã thu hoạch dứt điểm, sản lượng ước đạt hơn 320 ngàn tấn. Vụ đông xuân gieo sạ được 289.094 ha, đến nay đã thu hoạch 121.000 ha, dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ thu hoạch dứt điểm, sản lượng ước đạt hơn 2,013 triệu tấn.
Về cơ cấu giống lúa, giống chất lượng cao chiếm 89,10% diện tích gieo trồng, trong đó có một số giống chiếm diện tích rất lớn, như: ĐS 1 (78.578 ha), Đài thơm 8 (65.732 ha), Jasmine 85 (40.856 ha), OM 5451 (37.227 ha), RVT (11.704 ha), nếp (755 ha); IR 50404 (19.514 ha)…
“Cuối vụ đông xuân, tình hình rầy nâu bộc phát gây hại mạnh, nhất là giai đoạn trong và sau Tết Nguyên đán, gây cháy rầy cục bộ ở một số địa phương, như: Hòn Đất, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Kiên Lương, làm ảnh hưởng đến năng suất. Bênh cạnh dịch bệnh gia tăng, chi phí tăng cao, vụ đông xuân nông dân còn đối mặt khó khăn về đầu ra, hệ thống thương lái truyền thống ít đặt cọc thu mua lúa tươi trong dân, nhiều diện tích không có hợp đồng bao tiêu, lúa chín nông dân chưa thu hoạch chờ thương lái thu mua, giá bán lúa tươi tại ruộng giảm so với cùng kỳ năm trước, người sản xuất lãi không cao”, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang nêu những khó khăn, hạn chế.
Vụ hè thu 2019, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo sạ 280.000 ha, khung thời vụ xuống giống đợt 1 từ 25-31/3, đợt 2 từ 25/4-1/5. Riêng vùng ven biển, phụ thuộc nguồn nước mưa gieo sạ dứt điểm từ 5-20/6. Bên cạnh việc khuyến cáo không tập trung gieo sạ diện tích quá lớn vào một số giống, nông dân chỉ nên sản xuất các giống lúa thơm, đặc sản khi có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.
Điều đáng lo ngại là hiện nay lúa đông xuân chưa thu hoạch xong, nhưng một số huyện như: Giang Thành, Giồng Riềng, Tân Hiệp, nông dân đã gieo sạ lại hơn 10.000 ha (hè thu sớm nhưng thực ra đây là lúa xuân hè, không có trong cơ cấu mùa vụ của tỉnh). Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Kiên Giang cảnh báo: “Việc gieo sạ liên tục, gối vụ như vậy có nguy cơ rầy nâu lan truyền cho lúa hè thu và truyền bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá sẽ rất cao. Vì hiện nay, qua xét nghiệm cho thấy tỷ lệ rầy nâu mang vi rút gây bệnh trên địa bàn tỉnh từ 16-33%, cao nhất trong khu vực ĐBSCL”.
Một vấn đề lo ngại nữa trong vụ hè thu 2019 là nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất, do mực nước nội đồng Kiên Giang nhiều tháng qua thấp hơn cùng kỳ năm 2018 từ 5-25 cm, xâm nhập mặn gia tăng. Hiện tượng El Nino dù được dự báo có cường độ yếu và không kéo dài, nhưng nếu các địa phương không có các giải pháp phòng tránh hạn, mặn kịp thời và hiệu quả, sẽ gây ảnh hưởng đên sản xuất.
Đ.T.Chánh (Báo Nông nghiệp Việt Nam)