Việc ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất lạc trên đất lúa kém hiệu quả giúp tăng lợi nhuận lên đến trên 50 triệu đồng mỗi ha so với cây lúa.
Nguồn giống tốt cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều diện tích lạc trong dự án cho năng suất cao, ít sâu bệnh hại. Ảnh: L.K.
Đó là kết quả của dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ vào xây dựng vùng chuyên canh lạc trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị tại xã Tịnh Thọ (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi)” do Phòng NN-PTNT huyện Sơn Tịnh chủ trì thực hiện và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ là đơn vị chuyển giao công nghệ.
Dự án được triển khai với quy mô 80ha trên những chân đất mà trước đây người dân sản xuất nông nghiệp không mang lại nhiều hiệu quả. Khi tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ nguồn giống chất lượng, các loại máy móc cơ giới như máy cày, thiết bị gieo hạt, máy thu hoạch, máy bứt củ, máy ép dầu… đã giúp chi phí sản xuất giảm, năng suất tăng lên gấp nhiều lần so với trồng lúa hoặc phương pháp canh tác lạc truyền thống.
Ông Trần Minh (trú xóm 5, thôn Thọ Bắc, xã Tịnh Bắc) cho biết, gia đình ông có 3 sào ruộng tham gia vào dự án này. Vụ đông xuân vừa qua, ông khá bất ngờ vì năng suất đạt cao nhất từ trước tới nay. Nếu như những năm trước, với diện tích này ông chỉ thu được khoảng 4,5 đến 5 tạ lạc khô vụ này sản lượng đạt đến 8 tạ.
Người dân được hỗ trợ máy ép dầu lạc để cho ra sản phẩm sạch, an toàn xuất ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: L.K.
Còn ông Lê Thanh Hạ (trú thôn Thọ Bắc, xã Tịnh Thọ) cho rằng, cây lạc đối với bà con nông dân ở địa phương không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, những năm trước, do sử dụng các loại giống kém chất lượng, quy trình chăm sóc không đúng, ít áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả không cao, thường xuyên chịu thiệt hại do sâu bệnh.
Nay, hầu hết những người tham gia trồng lạc trong dự án này đều rất thành công khi năng suất thu được vượt trội. Không những thế, bà con còn được tiếp cận với những quy trình kỹ thuật chăm sóc phù hợp để thay thế dần kiểu canh tác truyền thống trước đây. Nhờ đó việc canh tác thực hiện bài bản hơn, cây ít bị bệnh nên chi phí thuốc men, phân bón cũng giảm được 20% so với kiểu trồng truyền thống trước đây.
Các phụ phẩm từ cây lạc được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón hữu cơ. Ảnh: L.K.
Kết quả đánh giá trong vụ đông xuân vừa qua, 1ha canh tác lạc trong mô hình mất chi phí sản xuất khoảng gần 47 triệu đồng, giảm được hơn 10 triệu đồng so với phương pháp sản xuất lạc truyền thống. Với năng suất lạc mô hình đạt 38,9 tạ/ha và giá bán 27.000 đồng/kg, mỗi ha lạc trong dự án cho doanh thu trên 105 triệu đồng.
So sánh về lợi nhuận sau khi trừ chi phí thì lạc trong mô hình thu lãi trên 58 triệu đồng/ha, tăng 29 triệu đồng/ha so với phương pháp canh tác lạc truyền thống, tăng gần 52 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa tại địa phương. Ngoài ra, các phụ phẩm từ cây lạc cũng được tận dụng triệt để như xác ép dầu lạc, thân lá được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ.
Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Tịnh cho biết: Hiện trên địa bàn huyện đang có khoảng trên 300ha đất sản xuất lúa và cây màu kém hiệu quả. Với những diện tích này, những năm qua huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế, tránh tình trạng bỏ hoang. Trong các loại cây thực hiệu chuyển đổi, huyện chú trọng 2 loại cây chính là lạc và ngô. Đối với cây lạc tập trung sản xuất vào vụ đông xuân và cây ngô chuyển đổi trong vụ hè thu.
Lê Khánh