Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, đơn vị đang đăng ký diện tích cấp mã số vùng trồng cho gần 8.300 ha sầu riêng tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 11.000 ha sầu riêng, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm với sản lượng ước đạt trên 67.000 tấn mỗi năm, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Các giống sầu riêng hiện nông dân đang canh tác chủ yếu là Ri6, Mon Thong và Dona có nguồn gốc từ vườn cây đầu dòng đã được công nhận nguồn giống.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 11.000 ha sầu riêng, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm... (Ảnh minh họa: KT).
Theo tiêu chí để được cấp mã số vùng cần có diện tích từ 6 - 10 ha và phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, không chăn thả gia súc, gia cầm bên trong vùng trồng; phải trồng duy nhất một loại giống cây ăn quả. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để bảo đảm việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ canh tác như: Đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc…
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, cấp mã vùng trồng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu, là thủ tục bắt buộc, nhằm truy xuất nguồn gốc trái cây. Lâm Đồng hy vọng làm tốt việc cấp mã số vùng để trái cây của tỉnh có thể bước chân vào những thị trường khó tính.
“Việc cấp mã số vùng trồng theo Luật trồng trọt mới cũng như thực hiện các quy định của pháp luật sẽ giúp cho sản phẩm sầu riêng của Lâm Đồng có chỉ dẫn địa lý cũng như là quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay đang khó khăn trong xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, hy vọng chúng tôi chuẩn bị sẵn cấp mã số vùng trồng này để khi hai nước ký kết, sản phẩm sầu riêng được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc thì đã sẵn sàng có mã số vùng trồng theo yêu cầu của nước nhập khẩu” - ông Nguyễn Văn Châu chia sẻ./.
Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên