Lúa đông xuân tại nhiều địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năng suất cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, lúa đang rất được giá.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mai Phương.
Ngày 15/4 tại Ninh Thuận, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị sơ kết vụ đông xuân (ĐX) và triển khai vụ hè thu, vụ mùa 2021 vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Hiện nay,lúa ĐX tại các tỉnh miền Trung đang bắt đầu thu hoạch. Có thể nói chưa năm nào, vụ ĐX thắng lợi như năm nay cả về năng suất và giá cả. Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Bình cho biết, năng suất lúa vụ ĐX của Bình Định năm nay ước đạt 71 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, giá lúa cũng cao hơn từ 1.000 – 1.500 đồng/kg, do vậy người dân có lãi lớn. Theo bà Trân, ngoài thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, người dân Bình Định hiện nay sử dụng toàn bộ giống lúa xác nhận để gieo sạ, đồng thời ngành nông nghiệp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý phòng trừ sâu bệnh tốt đã giúp cho năng suất lúa đạt cao.
Cùng quan điểm, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết, ngành nông nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai cuối năm 2020. Tuy nhiên với sự cố gắng khắc phục cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, cùng với lượng phù sa từ các đợt lũ năm trước và tình hình thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, ít chuột cắn phá nên vụ ĐX năm nay Quảng Ngãi được mùa toàn diện, năng suất ước đạt trên 61 tạ/ha. Không chỉ vậy, giá lúa cao cũng giúp cho người dân có lãi cao.
Bên cạnh lúa, các cây rau màu, lạc, ngô đều phát triển tốt.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mai Phương.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ ĐX 2020-2021, diện tích lúa toàn vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ước đạt 320,45 nghìn ha, tăng 19,85 nghìn ha; năng suất ước đạt 66,06 tạ/ha, tăng 0,41 tạ/ha; sản lượng ước đạt 2,117 triệu tấn, tăng 144 nghìn tấn so với vụ ĐX trước.
Có được kết quả này đó là sự chỉ đạo quyết liệt chỉ đạo sản xuất của Bộ NN-PTNT, các địa phương. Ông Lê Thanh Tùng cho biết, ngay từ đầu vụ, Cục Trồng trọt đã phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch và các giải pháp chỉ đạo gieo cấy sớm hơn, bố trí thời vụ gieo sạ phù hợp và tập trung xuống giống nhanh, gọn; chủ động lịch xuống giống linh hoạt cho từng tiểu vùng tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương...
Về cơ cấu giống, các địa phương trong vùng đã tập trung sử dụng giống ngắn ngày. Việc sử dụng giống ngắn và cực ngắn ngày trong tình hình khô hạn thiếu nước đã mang lại hiệu quả cao, giảm tối thiểu 2 lần tưới/vụ.
Đối với cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày, cũng luôn được các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên quan tâm chỉ đạo phát triển và góp phần quan trọng trong cơ cấu cây trồng của vùng. Trong đó cây ngô đạt 32,16 nghìn ha; lạc 22,92 nghìn ha; khoai lang 7,75 nghìn ha; rau các loại 72,83 nghìn ha; đậu các loại 16,73 nghìn ha...
Người dân các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ được mùa lúa toàn diện. Ảnh: KS.
Đặc biệt các địa phương trong vùng đã chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ĐX đạt 10.557 ha. Việc chuyển đổi giúp dạng hóa sản phẩm, phần lớn các cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Cục Trồng trọt khuyến cáo bộ giống lúa trong vụ hè thu và vụ mùa 2021 các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Đối với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, giống chủ lực gồm: TBR1, DV108, OM6976, ML48, TH6; ANS1, Đài Thơm 8... Giống bổ sung gồm: TBR36, TBR45, TBR225, BC15, SH2, AS996, HT1, TH41, ML202, ML214, KD28, MT10, DT45, Hương Châu 6, Hương Xuân, BĐR27...
Các tỉnh Tây Nguyên giống chủ lực gồm: BC15, TBR45, HT1, Q5, OM4900, Nhị ưu 838, Nghi hương 2308, ANS1, Đài Thơm 8… Giống bổ sung BĐR27, PC6, OM6976, OMCS2000, Hương Châu 6, RVT...
Căn cứ vào tình hình thực tế nguồn nước hiện có, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lên kế hoạch sản xuất vụ hè thu và vụ mùa 2021. Theo đó, kế hoạch diện tích lúa vụ hè thu 2021 là 180,77 nghìn ha, tăng 20 nghìn ha; năng suất bình quân ước đạt 61,75 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1,116 triệu tấn, tăng 132 nghìn tấn so với hè thu 2020.
Đối với vụ mùa, kế hoạch toàn vùng sản xuất 266,18 nghìn ha, giảm 3,64 nghìn ha; năng suất bình quân ước đạt 53,50 tạ/ha, tăng 1,43 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1,424 triệu tấn, tăng 19 nghìn tấn.
Để thực hiện thắng lợi các vụ sản xuất, Cục Trồng trọt đã đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, đề nghị các địa phương rà soát cơ cấu mùa vụ và bố trí thời vụ sản xuất lúa. Vùng an toàn nguồn nước thì sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ.
Người dân các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ bán lúa được giá rất cao. Ảnh: KS.
Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho cây trồng vào cuối mùa vụ cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn đến sản xuất lúa. Đẩy mạnh chuyển đổi những vùng có khả năng thiếu nước vào cuối vụ sang cây trồng cạn, ngắn ngày để tiết kiệm nước tưới.
Về lịch thời vụ xuống giống vụ hè thu, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định xuống giống từ ngày 20/5-30/5 đối với vùng 2 vụ lúa. Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa xuống giống 10/5-10/6. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận xuống giống từ 25/4 - 20/5. Các tỉnh Tây Nguyên vùng đông Trường Sơn xuống giống từ 1/6 - 20/6. Vùng tây Trường Sơn xuống giống tập trung từ 15/5-10/6.
Đối với cấu giống, các địa phương tập trung sử dụng giống ngắn ngày và cực ngắn ngày, có năng suất, chất lượng khá, cứng cây chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Những vùng có nguy cơ thiếu nước tưới hoặc ngập úng vào cuối vụ nên bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, cực ngắn từ 90 ngày trở lại.
Đối với vùng chủ động đủ nước tưới, bố trí sản xuất những giống có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày. Sử dụng giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh; khuyến cáo nông dân sử dụng cấp giống xác nhận và nằm trong cơ cấu khuyến cáo của tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá vụ ĐX năm nay tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi các trận bão lũ cuối năm 2020 nhưng vẫn được mùa toàn diện.
Năng suất lúa cao nhất từ trước tới nay, diện tích lúa tăng; ít sâu bệnh đã giuớ giảm chi phí; cơ cấu giống lúa chất lượng, lúa thơm từng bước được nâng lên, đặc biệt giá lúa cao giúp cho nông dân có lãi cao.
Hiện nay các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ đã thu hoạch được khoảng 1/2 diện tích lúa ĐX. Ảnh: KS.
Bên cạnh việc tập trung cao độ cho chỉ đạo sản xuất của các tỉnh trong vùng, hiện bộ giống lúa của vùng đã đa dạng, phong phú. Ngoài bộ giống do các đơn vị chọn tạo tại chỗ thì một số giống ở phía Nam và phía Bắc đều có thể sản xuất ở vùng này, nhờ đó năng suất lúa tăng lên, các hệ thống thủy lợi được đầu xây dựng giúp mở rộng diện tích…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo, do lúa vụ ĐX mới thu hoạch được ½ diện tích nên các cơ quan chức năng phải tiếp tục bám sát đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo nước tưới. Lúa chín đến đâu phải thu hoạch ngay tới đó để chuẩn bị cho vụ hè thu.
Đối với cây trồng khác cũng đặc biệt quan trọng như cà phê, hồ tiêu, điều, thanh long... Tới đây Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức từng hội nghị theo từng loại cây để đánh giá toàn diện và có giải pháp phát triển bền vững.
Không đảm bảo nước thì kiên quyết dừng trồng lúa
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị đối với vụ hè thu và vụ mùa 2021, dự báo tình hình hạn hán có thể không khốc liệt như các năm trước do có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn. Tuy nhiên, không được chủ quan bởi từ nay đến tháng 9/2021 không có mưa.
Do vậy các địa phương phải tranh thủ xuống giống và xuống giống tập trung, nhất là các tỉnh từ Bình Định trở vào. Các địa phương rà soát lại nguồn nước, vùng nào không đảm bảo thì kiên quyết dừng sản xuất lúa.
Về giống, ưu tiên sử dụng giống chất lượng, sử dụng giống ngắn ngày và cực ngắn ngày để giảm rủi ro. Lượng giống gieo sạ phải tiếp tục giảm vì hiện nay vùng này sạ vẫn quá dày. Các địa phương tổ chức liên kết sản xuất cánh đồng lớn, kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia bao tiêu sản phẩm...
Các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT như Cục Trồng trọt, Cục BVTV, Tổng Cục thủy lợi bám sát, phối hợp với các địa phương tổ chức chỉ đạo sản xuất.
MAI PHƯƠNG