Trên đồng đất Nghệ An, thường thì mỗi năm có hai vụ lúa, có nơi trồng được hai vụ lúa và vụ đông trồng màu.
Thế nhưng nhiều nơi, một năm bà con chỉ trồng được một vụ lúa chiêm xuân, sau đó thì đất bỏ hoang. Diện tích này là rất lớn.
Nói về đất lúa bỏ hoang, ông Lê Viết Xường- Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cho biết: Năm nào cũng vậy, vụ chiêm xuân xã tôi gieo cấy 318ha lúa. Khi thu hoạch xong chỉ gieo cấy tiếp được 200ha vụ mùa sớm. Còn lại 118ha đành phải bỏ hoang vì không chủ động được nguồn nước tưới, tiêu.
Trăn trở vì số diện tích đất lúa bị bỏ hoang là quá lớn, nên năm nay khi vụ chiêm xuân chuẩn bị bước vào thu hoạch, lãnh đạo xã Nghĩa Khánh đã trực tiếp đăng ký với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để xây dựng mô hình trồng giống lúa mới.
Trước lúc triển khai thực hiện mô hình, xã đã tổ chức họp dân để tuyên truyền rồi mời cán bộ về tập huấn khuyến nông. Vui vì số người đăng ký tham gia chương trình lên tới 200 hộ. Kết quả, đây là vụ lúa hè thu- mùa sớm bội thu trên cánh đồng 30 ha mà nhiều năm dân đã bỏ hoang.
Tại buổi hội thảo đầu bờ về mô hình này, ngoài số dân Nghĩa Khánh ra còn có hàng trăm cán bộ xã trong toàn huyện đến để cùng tham quan học tập.
Mô hình lúa Việt lai 20 trên cánh đồng lớn xã Nghĩa Khánh, 1 ha đạt hơn 60 tạ. Ảnh: Hồ Quang.
Ông Nguyễn Viết Trung, GĐ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: Để xóa dần tập tục sản xuất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung, vụ hè thu- mùa sớm, sau khi chọn lựa được số hộ tham gia và địa điểm, Trung tâm đã quyết định xây dựng mô hình trồng giống lúa Việt lai 20 thế hệ mới trên cánh đồng 30ha của 3 xóm: Trù Mét, Cuông và Trôi.
Trong suốt quá trình thực hiện mô hình, tất cả các hộ gia đình đã nghiêm túc thực hiện đúng các khâu kỹ thuật do cán bộ của Trung tâm trực tiếp chỉ đạo. Bắt đầu từ khâu làm đất, ủ mạ, ra giống, tưới tiêu chăm bón, theo dõi sâu bệnh và thực hiện các biện pháp phòng trừ.
Hội thảo đã trực tiếp đánh giá giống lúa Việt lai 20 thế hệ mới (do Cty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng sản xuất và cung ứng) có những đặc tính nổi trội, như: Thích nghi tốt trên nhiều chân đất khác nhau, mạ khỏe đẻ nhánh khá, bản lá gọn, chịu rét khá, chống đổ tốt (chiều cao cây 100cm) trổ bông đều và tập trung, khi thu hoạch lá vẫn còn màu xanh đậm, đây là nguồn thức ăn rất tốt cho đàn trâu và bò. Đánh giá tại hội thảo cho thấy nămg suất lúa Việt lai 20 đạt 61- 63 tạ/ha. Trong khi đó năng suất lúa đang sản xuất đại trà chỉ đạt 51 tạ/ha.
Thành công của mô hình này, trước hết nhờ có chính sách đầu tư vốn của tỉnh và huyện (đầu tư 100% kinh phí tập huấn khuyến nông, tham quan tổng kết mô hình, 70% tiền mua giống, phân bón và thuốc BVTV. Nông dân chỉ bỏ ra 30%). Trên cánh đồng lớn của mô hình, đội ngũ cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện luôn tận tâm, tận lực giúp bà con thực hiện đúng kỹ thuật theo chế độ 3 cùng: Cùng giống, cùng thời cụ và cùng áp dụng biện pháp thâm canh.
Kết quả của chế độ 3 cùng trong sản xuất nông nghiệp tại mô hình này đã hình thành nhóm nông hộ cùng tập trung áp dụng đồng bộ các tiến bộ KHKT, ngay từ khâu làm đất, ủ mạ, ra giống, chăm bón, theo dõi quản lý bệnh hại, tực hiện các biện pháp BVTV và thu hoạch. Đây là chuỗi sản xuất hợp lý, tạo đà cho cơ giới hóa đồng ruộng, tiết kiệm được chi phí, bảo vệ môi trường, tạo nên vùng nông sản hàng hóa lớn, tập trung đạt năng suất, chất lượng cao.
Ông Lê Văn Ký, đại diện các hộ tham gia mô hình phát biểu: Chúng tôi thực sự vui mừng vì trên cánh đồng 30ha này, từ trước tới nay bà con chỉ sản xuất được một vụ lúa chiêm xuân, sau đó là bỏ hoang, nay trong vụ hè thu- mùa sớm, nhờ có sự đầu tư vốn của Nhà nước xây dựng mô hình nên cánh đồng đã trở thành một thảm lúa mênh mông. Năng suất lúa đã đạt hơn 60 tạ/ha, cao hơn 10 tạ/ha so với các cánh đồng đang sản xuất đại trà...
Hồ Quang