Những ngày đầu năm 2018, nhiều nông dân trồng tiêu ở tỉnh Bình Phước chỉ còn biết kêu trời, khi hàng ngàn nọc tiêu bỗng dưng... chết đứng.
Huyện Lộc Ninh, nơi được coi là thủ phủ của cây hồ tiêu Bình Phước, đã có trên 40 ha tiêu bị bệnh, chết hàng loạt từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018.
Bà Trần Thị Phiên, ở xã Lộc Thạnh, cho biết: “Tổng cộng 1.500 nọc tiêu của nhà tôi, đang tươi tốt, nhưng sau 10 ngày, lác đác từng cây, rồi nhiều gốc, dây tiêu héo queo, thối gốc và tất cả khô lá chết ráo trọi”. Ước thiệt hại từ vườn tiêu của bà Phiên gần 1 tỷ đồng.
Tương tự bà Phiên, nhiều hộ trồng tiêu khác thuộc các xã Lộc Tấn, Lộc Thịnh... cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Các vườn tiêu đều trong tình trạng thối gốc, khô dây, khô lá. Ngoài huyện Lộc Ninh, tình trạng tiêu chết còn lan sang một số địa phương khác như: Bù Gia Mập, Bù Đốp, Bù Đăng, Đồng Phú...
Nhận xét về hiện tượng tiêu chết bất thường, một cán bộ nông nghiệp tỉnh Bình Phước không muốn nêu tên, nói: "Thứ nhất: Do người dân phát triển cây tiêu quá nóng. Tỉnh Bình Phước trước đây chỉ có huyện Lộc Ninh trồng tiêu, thì nay gần như huyện nào người dân cũng trồng tiêu, nên việc chăm sóc cây tiêu rất ẩu, sơ sài, tiêu dễ bị sâu bệnh.
Thứ hai, tưởng rằng trồng tiêu dễ dàng, nên dùng thuốc, bón phân cũng dễ dãi, do đó có không ít trường hợp người dân mua trúng thuốc hoặc phân bón chất lượng kém, khiến tiêu chết hàng loạt.
Cuối cùng, có thể thời tiết khô hạn cũng làm cây tiêu khó sống”.
Trong lúc đó, ông Nguyễn Văn Đức - trú xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng - cho hay: “Nhà tôi phải vay ngân hàng gần 300 triệu đồng để làm vườn tiêu 2.000 nọc. Tiêu đang phát triển, tưởng sẽ thu hoạch đợt đầu trả bớt nợ. Ai ngờ trong một tháng, cả vườn tiêu chết đứng. Nợ chất chồng mà không biết phải tính sao?”.
Tình trạng tiêu chết là vậy, nhưng giá hồ tiêu trên thị trường sụt giảm mạnh càng khiến bức tranh về vườn tiêu, người trồng tiêu càng u ám nặng nề. Nếu như trước đây giá tiêu lên tới 200 - 220 ngàn đồng/kg, thì nay, con số trên chỉ còn dưới 100 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Bỉnh Duy - công tác tại ngành quản lý thị trường tỉnh Bình Phước - cho rằng: “Giá hạt tiêu giảm sâu như thế, càng đẩy người trồng tiêu vào cảnh bất lợi. Rồi lại tới lúc người dân bỏ tiêu, trồng cây khác, lại bỏ cây khác trồng lại tiêu”.
Nói như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, khi tới làm việc tại Bình Phước vào giữa năm 2017: “Bình Phước đã tới lúc phải xác định cho mình một chiến lược phát triển, xây dựng nền nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, thật bài bản, căn cơ. Sản xuất cây gì, nuôi con gì không thể tự người nông dân tự phát nuôi trồng. Trái lại, phải có định hướng, có hướng dẫn khoa học, có nắm bắt được xu hướng cung - cầu để nông dân “tự bơi” sẽ rất khó cho họ vào lúc này”.
Cao Hùng (Báo Lao Động)
(Tùng Linh APC - sưu tầm)