Một cây mía ép được hai, ba cốc nước mía nhưng bán cả trăm cây mía nông dân không thể mua nổi một cốc nước mía. Nghịch lý đó đang diễn ra ở Hòa Bình.
Ông Nhịnh chặt ít mía về cho cháu ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ông Bùi Văn Nhịnh ở xóm Rú Mới xã Hợp Phong (Cao Phong, Hòa Bình) dẫn tôi lên đồi mía quá ngày, những cây to đã bị đổ ngổn ngang còn những cây nhỏ tuy không đổ nhưng mọc mầm trên thân hết lượt.
“Mười cây thì đổ bảy tám rồi bởi quá lứa, thân nặng, gió xô, đấy chú thích lấy bao nhiêu, tôi chặt tặng bấy nhiêu! Giờ rẻ quá cũng chẳng muốn bán nữa. Trồng mía trên 20 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy giá thấp như thế này cả”.
Khúc mía ngọt đậm, thơm lừng như mật ong rừng mà giờ với người nông dân này nó chẳng hề có ý nghĩa gì nữa. Nhà ông Nhịnh vụ vừa rồi trồng hơn 1 vạn mía, ế ẩm mãi tháng 7 mới bán được 6.000 cây với giá 1,5 triệu đồng tương đương 250 đồng/cây còn lại hơn 4.000 cây bán mãi chẳng ai thèm mua.
Vừa rồi có người đến trả ông cả đồi có 200.000đ tương đương với 50 đồng/cây, coi như dọn vườn. Bán cả trăm cây mía không mua nổi cốc nước mía ngoài thành phố, rẻ quá nên ông mới quyết định giữ lại để ép nước mía cho lũ cháu ăn dần và dành cho trâu bò ăn những ngày đông, tháng giá.
Mía quá lứa nhiều cây đã mọc mầm. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Vợ tôi giờ đây còn không muốn đi qua đồi mía nữa bởi lần nào nhìn thấy bà ấy cũng muốn khóc. Vườn mía này chúng tôi đã đầu tư hơn 20 triệu, vun xới, làm cỏ, bóc lá, chăm sóc mấy tháng trời, mọi năm bán trung bình 4.000-5.000 đồng cũng thu được 50-60 triệu trong đó lãi già nửa.
Chỉ có năm 2018 mưa gió gây gẫy cây, ế bán được có 4 triệu và năm nay, bán được có 1,5 triệu. Chúng tôi đang nợ ngân hàng 50 triệu, nhà xây xong mấy năm vẫn còn chưa sơn nổi vì trông hết vào vườn mía. Hai đứa con, 1 đi làm trong Nam, 1 đi làm thuê suốt, chỉ có hai vợ chồng già ở nhà, giờ thì đã mất hoàn toàn phương hướng, không biết đầu tư trồng cây gì tiếp nữa đây”. Ông tâm sự.
Xóm Rú Mới có 18 ha mía, tất cả đều là loại mía trắng chuyên dùng để ép nước. Từ tháng 12, mấy hộ thu sớm bán cúng Tết 4.000-5.000đ/cây ai nấy cũng khấp khởi mừng thầm nhưng chỉ bán được khoảng 2 ha thì bị ùn ế do dịch Covid-19. Khi hết đợt 1 của dịch cũng đúng vào thời vụ mía nhưng vẫn không thể bán được hoặc có bán thì rẻ như cho.
Xã Hợp Phong là vùng trồng mía lớn của huyện Cao Phong với tổng diện tích 330 ha. Ngoài mía tím bán dạng ăn tươi thì mía trắng bán để dùng cho việc ép nước, chạy hàng nhất là vào dịp nắng nóng của mùa hè nhưng đến giờ đã sang thu mà vẫn còn tồn trên vườn, trên đồi, nhiều nhà bỏ mặc không thèm tước lá, để cỏ mọc tốt um tùm.
Đồi mía gần như để hoang vì dân chán nản không buồn chăm nữa. Ảnh: Dương Đình Tường.
Khi nhắc đến chuyện mía ế, ông Bùi Đức Thuận - Bí thư xã Hợp Phong ngậm ngùi nói với tôi rằng: Nhà tôi trồng hơn 1 vạn, đầu vụ bán 4.000 cây được 6 triệu, tương đương 1.500đ/cây đã là rẻ nhưng không ngờ tháng vừa rồi hơn 6.000 cây còn lại họ trả có 1,5 triệu đồng tương đương 250đ/cây nên chẳng thèm bán nữa.
Lý giải về nguyên nhân mía ế ông bảo: “Nguyên nhân thứ nhất là mấy năm trước khi xây dựng chợ Bảm ở xã Tây Phong làm chợ đầu mối nông sản, thương lái không về tận vườn để mua mía nữa mà chờ ở đó, đợi người dân đem ra bán.
Dân các xã chặt mía đem đến chợ họ thường không mua ngay đâu, cứ để mặc đấy. Hôm trước mía còn tươi, hôm sau đã héo rồi liền bị ép giá, trả rẻ đến mấy cũng vẫn phải bán bởi để đến hôm thứ ba là mã xuống rất xấu. Thêm vào đó, năm nay tình hình dịch Covid-19 khiến cho hàng nước mía ế thành ra cây mía ép nước cũng bị ế”.
Ông Nhịnh: "Rẻ quá thì tôi để cho trâu bò ăn". Ảnh: Dương Đình Tường.
Cũng tương tự như thế là vùng trồng mía nổi tiếng của Thạch Yên với diện tích 256 ha người dân cũng vừa phải bán đổ bán tháo với giá rẻ mạt mà vẫn còn ế.
Theo ước tính toàn huyện Cao Phong vụ này trồng khoảng 1.500-1.600 ha mía trắng ép nước, sự bế tắc về đầu ra như vậy đã gây thiệt hại cho những nhà vườn không biết bao mà kể.
Dương Đình Tường