Mở rộng đối tượng, tăng mức độ ứng dụng công nghệ cao

Số liệu cập nhật mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết: Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 56.400 ha. Cụ thể, bao gồm các loại cây trồng như: rau (hơn 22.140 ha); cà phê (hơn 19.245 ha); chè (gần 6.110 ha); lúa (4.515 ha); hoa (hơn 2.750 ha); cây ăn quả (860 ha); cây đặc sản (155 ha); dược liệu (145 ha) và cây trồng khác (480 ha). 

Hoa được trồng tại trang trại Dalat Hasfarm. Ảnh minh hoạ

Trên tổng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vừa nêu, đối tượng thực hành công nghệ mới ngày càng mở rộng từ nông hộ ở khu vực ven đô, khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… đến các quy mô trang trại, doanh nghiệp đầu tư trong nước và nước ngoài tại Lâm Đồng. Trong đó, ghi nhận 8 doanh nghiệp Lâm Đồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất gần 280 ha rau, hoa là: Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Công ty Dalat Hasfarm, các Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P, Trang trại Langbiang, Hoa Mặt Trời, Trường Hoàng, Phong Thúy và Trà Long Đỉnh. 

Đặc biệt, các biện pháp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ngày càng đa dạng, mức độ ngày càng phát triển gồm: 28.000 ha tưới tự động, gần 10.750 ha màng phủ nông nghiệp, 4.400 ha nhà kính, hơn 1.200 ha nhà lưới, 60 ha lắp đặt cảm biến kết nối vạn vật, 30 ha thủy canh... Bên cạnh đó, còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt tỷ lệ 15% lượng thuốc canh tác; nhân nuôi các loại thiên địch như nhện bắt mồi Hypoaspis miles, Amblyseius sp… Ngoài ra, toàn tỉnh Lâm Đồng đang phát triển 51 cơ sở cấy mô công nghệ hiện đại với công suất 45 triệu cây giống mỗi năm… 

Kết quả mở rộng đối tượng, tăng mức độ ứng dụng công nghệ cao đáng kể nói trên trên địa bàn Lâm Đồng được hợp thành từ hai nhóm giải pháp trọng tâm là chính sách và khoa học công nghệ. Đó là tạo cơ chế, môi trường thuận lợi khuyến khích đầu tư vốn, công nghệ mới vào sản xuất đối với các thành phần kinh tế; quy mô đầu tư từ các vùng nông nghiệp trọng điểm đến các vùng nông nghiệp mới chuyển đổi. Đồng thời, tính riêng trong 5 năm trở lại đây, toàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai khoảng 500 mô hình chuyển giao, nhân rộng công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại từ các nước Hà Lan, Pháp, Bỉ, Israel, Nhật, Thái Lan… Và đây được xác định là hai nhóm giải pháp tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao đồng bộ trong thời gian tới, nhằm nâng cao sức cạnh tranh nông sản, hướng đến phát triển nền nông nghiệp toàn diện và bền vững trên địa bàn.

Văn Việt (Báo Lâm Đồng)