Mưa trái mùa uy hiếp hoa tết

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-12, ông Lê Đình Quyết, phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết mưa trái mùa vào thời điểm này ở Nam Bộ có hai mặt.

Hơn 2.500 cây mai đủ loại ở vườn mai Phương Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đang được công nhân lặt lá, uốn kẽm - Ảnh: Hoàng An

Mặt tích cực là đem lại cảm giác không khí dịu mát và nếu mưa với lượng 40 - 50mm là nguồn nước quan trọng giữ cho đồng ruộng bớt bị khô hạn, giảm nguy cơ xâm nhập mặn sớm vào nội đồng...

Tuy nhiên, những cơn mưa này cũng có những tác hại nếu mưa to, rất to, cường độ mạnh sẽ là nguy cơ làm hư hại cây hoa màu, nhất là những cây ngắn ngày, làm thay đổi quá trình sinh trưởng phát triển.

Ví dụ có thể làm hoa nở không đúng ngày vào đúng dịp tết, làm giập, gãy cây. Mưa to cũng làm thối, trôi phấn hoa với những cây trái đang ở thời kỳ trổ hoa, thay đổi độ ẩm làm gia tăng bệnh cho cây trồng.

Thực tế này đã xảy ra đối với các vườn mai tại TP.HCM. Ông Phương, chủ vườn mai Phương Bình (quận Thủ Đức), cho biết vườn mai tết nhà ông bị thiệt hại khoảng 30% do mai nở sớm.

"Nếu bông nở sớm như vầy thì tết bông sẽ không được nhiều như dự tính. Nếu thời gian tới tiếp tục có mưa thì mức độ thiệt hại có thể lên đến 50-60%", ông Phương nói.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Khang, giám đốc hợp tác xã hoa, kiểng Tân Quy Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), cho biết đợt mưa kéo dài cả tháng làm nhà vườn trồng hoa thiệt hại lượng lớn cây giống phải gieo lại, nhưng mấy ngày gần đây thời tiết dịu mát thích hợp để hoa phát triển mạnh.

Tuy nhiên theo ông Khang, thời tiết dịu mát cũng kèm theo mưa rải rác một số nơi làm sâu bệnh trên hoa được dịp sinh sôi, nhà vườn sẽ tốn chi phí để xử lý, chăm sóc cho cây lại sức. "Trời dịu mát nhiều loại hoa ưa thích nhưng chỉ sợ sẽ có mưa trái mùa", ông Khang thông tin.

Một vườn quýt hồng bị đốm trái và rụng khá nhiều - Ảnh: Hạo Thiên

Theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn trồng hoa tết, thời tiết se lạnh sớm, trời dịu mát là điều kiện lý tưởng để hoa kiểng phát triển tốt tươi. Hơn nữa những năm lập đông sớm như năm nay dự báo từ đây đến khi hoa xuất bán sẽ ít mưa trái mùa hơn các năm.

Ông Trần Văn Tiếp, chủ nhiệm hội quán Tôi Yêu Màu Tím (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc), chia sẻ: "Lập đông đến sớm, thời tiết khô ráo, gió bấc thổi do đó hoa rất khoái, phục hồi nhanh, nhất là cúc mâm xôi, ra nụ rất đạt. Với thời tiết này, theo kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm của tui có thể sẽ không có mưa trái mùa nhiều".

Nếu như người trồng hoa mặc dù đầu vụ gặp "nạn" vì mưa to nhưng giữa vụ được tiết trời ưu đãi thì người trồng quýt hồng lo lắng như "ngồi trên đống lửa". Hiện nay nhiều vườn quýt bị bệnh đốm trái, ruồi vàng tấn công gây rụng trái, thiệt hại nặng...

Ông Lưu Văn Ràng, một hộ trồng quýt hồng lâu năm, rầu rĩ: "Ngay đợt đậu trái thì mưa kéo dài, phun thuốc phòng trừ bệnh đều không hiệu quả, trái trên cây bị ảnh hưởng 70 - 80%. Nào đốm trái, nứt vỏ, bể túi the, rụng trái, mà quýt chưng tết mẫu mã xấu khó bán lắm".

Ông Đoàn Anh Kiệt, một nông dân trồng quýt hồng ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, đang "đau đầu" vì mỗi ngày vườn rụng khoảng 40kg trái.

"Mưa kéo dài hơn 1 tháng mà không có cách nào xử lý nên trái rụng nhiều, năng suất giảm nhiều, số còn trụ lại cũng không đạt về mẫu mã chưng tết", ông Kiệt nói.

Riêng quýt hồng trồng chậu chưng tết, theo các nhà vườn, do đều trồng trong nhà lưới nên không bị sâu bệnh tấn công, khả năng vớt vát được phần hư hao ngoài vườn.

Chú ý giữ gìn sức khỏe, an toàn

Ông Lê Đình Quyết lưu ý vào cuối năm các đợt không khí lạnh mạnh xuống sâu thường làm nhiệt độ đêm, sáng sớm xuống thấp, cần lưu ý mang áo lạnh cho người già, nhất là trẻ nhỏ đi học đầu giờ sáng.

Đến trưa do trời ít mây, không mưa nên nhiệt độ không khí cao, chênh lệch nhiệt độ lên tới trên 10ºC nên tạo cảm giác mệt mỏi, rất dễ bị say nắng khi làm việc lâu ngoài trời.

Thời tiết cuối năm ít mưa, nắng nhiều, độ ẩm không khí thấp nên rất dễ xảy ra chập cháy, thức ăn nhanh ôi thiu, các tỉnh có rừng cần cảnh giác phòng cháy rừng.

Lê Phan - Ngọc Tài (Báo Tuổi Trẻ)