Nam Định: Xuất hiện sâu keo mùa thu hại lúa

Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật tỉnh Nam Định cho biết, trên địa bàn tỉnh này đã xuất hiện sâu keo mùa thu đang gây hại trên lúa mùa.

Xã Yên Tiến (huyện Ý Yên) là địa phương đầu tiên trong tỉnh xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại trên lúa mùa. Loài sâu này bùng phát từ ngày 23/7, mật độ rải rác, nơi cao 1 - 2 con/m², cục bộ 3 - 4 con/m².

Ngày 26/7, tiếp tục phát hiện sâu keo mùa thu gây hại lúa mùa ở xã Xuân Kiên, Xuân Phương (huyện Xuân Trường). Phân bố rải rác, nơi cao 1 - 3 con/m². Đến ngày 6/8, sâu keo mùa thu xuất hiện trên lúa tại xã Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng). Các địa phương đã chủ động khoanh vùng và phun trừ đạt hiệu quả cao cho 5 ha lúa.

Bảng thống kê về mật độ, diện tích nhiễm.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật Nam Định, khi phát hiện thấy loài giống sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại trên lúa tại các xã trên, Chi cục đã thu thập mẫu gửi giám định tại Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật và Học viện Nông nghiệp Việt Nam để giám định loài, chủng. 

Sau khi có kết quả, ngày 15/8, Chi cục công bố chính thức sâu keo mùa thu trên ngô (Spodoptera frugiperda) đã lây lan và gây hại trên lúa mùa cùng với sâu keo lúa (Spodoptera mauritia) và sâu keo da láng (Spodoptera exigua) tại 3 xã trên.

“Nam Định là tỉnh đầu tiên phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên lúa, trong khi đó chưa có quy định cụ thể về phương pháp điều tra, ngưỡng thống kê diện tích nhiễm, tỷ lệ hại… Do đó, gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra, thống kê và chỉ đạo phòng trừ”, ông Chính chia sẻ.

Mai Chiến (Báo Nông nghiệp Việt Nam)