Cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ khiến một số diện tích lúa mùa đang vào mẩy, chắc hạt ở tỉnh Nam Định “chới với” dưới ruộng nước sâu.
Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, bà con nông dân Nam Định xuống đồng cứu lúa. Ảnh: An Lãng.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão số 5 kết hợp với gió mùa nên hai ngày qua trên địa bàn tỉnh Nam Định có nơi mưa vừa, mưa rất to làm ảnh hưởng không nhỏ đến các trà lúa mùa cuối vụ.
Hiện các trà lúa mùa ở Nam Định đã vào giai đoạn trỗ bông hoàn toàn và đang vào mẩy, chắc hạt, ngả màu vàng. Song, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã khiến mực nước ở các con sông dẫn nước vào ruộng lúa đều rất lớn, do đó nước trong ruộng không thể tiêu thoát được.
Đã có địa phương xảy ra tình trạng cây lúa bị đổ gục, chìm trong biển nước. Bà con nông dân đang tranh thủ thời tiết tạnh ráo, ra đồng buộc lại những diện tích lúa bị ngập úng, tránh hạt thóc nảy mầm.
Do mưa lớn kéo dài, cộng với gió to nên cây lúa bị đổ gục, chìm trong biển nước. Ảnh: An Lãng.
Vừa buộc lại cây lúa cho ngay ngắn, bà Lê Thị Ngót (huyện Trực Ninh) vừa nói, do ảnh hưởng của mưa lớn, cộng với gió to nên khoảng 50% diện tích lúa Bắc thơm số 7 ở bãi Đồng Thách của gia đình bà bị đổ gục, chìm nghỉm trong nước. Gia đình bà đang khẩn trương cứu diện tích lúa bị gục đổ, tránh tình trạng hạt thóc ngâm lâu trong nước, dễ nảy mầm.
Cách đó không xa là ruộng lúa của gia đình ông Đinh Văn Thân. Qua quan sát của chúng tôi, ruộng lúa hơn 2 sào của gia đình ông Thân cũng bị gió quật đổ khoảng 70% diện tích. Do còn bận công việc, nên ông chưa thể dựng và buộc lại cây lúa được.
“Hiện nay, mực nước trong đồng rất lớn, trong khi đó cây lúa không còn cứng, đứng vững, đang có dấu hiệu gù bông mạnh. Nếu gặp trận mưa to nữa chắc chắn diện tích lúa còn lại của gia đình tôi sẽ bị đổ rạp xuống nước và sẽ thối rễ, hạt. Mong ngành nông nghiệp nhanh chóng lên phương án tháo nước càng sớm càng tốt để bà con nông dân tránh thiệt hại…”, ông Thân nói.
Cũng theo nhiều bà con nông dân, nếu không tiêu thoát nước trong đồng sớm thì sắp tới việc đưa máy gặt đập liên hoàn vào ruộng sẽ gặp nhiều khó khăn; bởi nền ruộng không được cứng, máy gặt sẽ gặp khó khi di chuyển.
Lúa bị đổ đã được bà con buộc lại. Ảnh: An Lãng.
Còn nhớ vụ mùa 2017, toàn tỉnh Nam Định có tới hàng chục hecta lúa bị mất trắng do bệnh lùn sọc đen và ngập úng do mưa lớn kéo dài.
Thời điểm đó, theo thống kê, khoảng 45.000ha lúa thu hoạch được nhưng đã bị ngâm nước do ngập lụt, đa phần phải thu hoạch non khi lúa mới chớm đỏ đuôi để chạy lũ nên chất lượng gạo rất thấp. Tổng cộng, sản lượng lúa vụ mùa năm 2017 của tỉnh này giảm khoảng 50% so với mọi năm.
Theo ngành nông nghiệp Nam Định, hiện nay, sâu trưởng thành đục thân 2 chấm, rầy nâu - rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá vẫn còn. Tuy nhiên, mức độ gây hại nhẹ hơn trung bình nhiều năm.
AN LÃNG