Thanh long, nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỉ USD/năm, đã đạt được nhiều thay đổi tích cực sau nhiều năm hợp tác với New Zealand.
New Zealand sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển toàn diện chuỗi giá trị cho thanh long - Ảnh: Linh Tô
New Zealand đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chuỗi giá trị toàn diện trong từng khâu cho các giống trái cây cao cấp. Một trong những thành quả từ sự hợp tác giữa hai nước là giống thanh long mới.
Theo đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews, giống thanh long mới sẽ có nhiều màu sắc hơn giống thanh long hiện tại. Hương vị cũng được cải thiện, trở nên thơm ngon hơn.
Về lộ trình ra mắt giống thanh long mới, vì vẫn đang trong thời gian hoàn thiện và chờ nhận bảo hộ sản phẩm, có thể tới năm 2021 chúng ta sẽ được thưởng thức.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ có giống thanh long chất lượng cao hơn hiện tại - Ảnh: Linh Tô
Đại sứ Wendy Matthews nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa sản xuất và xuất khẩu nông sản trong tương lai, với điều kiện tiên quyết là phải đạt được sự hoàn hảo của mỗi khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Đại sứ New Zealand chia sẻ với Tuổi Trẻ Online bên lề hội thảo quốc gia về mô hình phát triển và thương mại hóa các giống trái cây cao cấp ngày 5-6 tại TP.HCM: "Việt Nam cần liên tục nâng cao chất lượng trái cây xuất khẩu thông qua việc tạo và chọn lọc giống, kiểm soát sâu bệnh sau thu hoạch và thương mại hóa tốt. New Zealand rất sẵn lòng giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề này".
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews - Ảnh: Linh Tô
Bên cạnh thanh long, New Zealand cũng đang thực hiện dự án kỹ thuật tăng năng suất và chất lượng cho trái bơ tại Việt Nam. Bơ Việt Nam đa dạng về giống nhưng đơn sắc về chất lượng, hai nước kỳ vọng dự án mới sẽ giúp bơ Việt có giá trị cáo hơn, cải thiện chuỗi cung ứng và tăng cơ hội xuất khẩu.
Việc phát triển giống thanh long mới nằm trong khuôn khổ Dự án phát triển giống trái cây cao cấp, thực hiện sáu năm (bắt đầu từ năm 2013) do Chương trình viện trợ phát triển New Zealand tài trợ không hoàn lại với tổng giá trị dự án lên đến 5,6 triệu USD.
Dự án do Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR), Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (SIAEP) thực hiện.
Minh Khôi (Báo Tuổi Trẻ)