Theo thông lệ những tháng cuối năm là mùa các nhà máy đường đẩy mạnh công suất ép mía cho vụ mía đường sắp tới, thế nhưng, hiện tại đã có hai nhà máy thông báo ngừng sản xuất và có một nhà máy tạm ngưng hoạt động.
Xe chở mía nguyên liệu đến một nhà máy mía đường. Ảnh: NH
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), dự kiến niên vụ 2017-2018 chỉ có 39/41 nhà máy đường hoạt động.
Cụ thể, Nhà máy đường Hiệp Hòa cho đến nay vẫn không vận hành dây chuyền ép mía, Nhà máy Đường Cà Mau (Công ty TANASUCO- Cà Mau) ngừng sản xuất do khó khăn về tài chính và đầu ra của sản phẩm. Nhà máy đường Long Mỹ Phát tạm ngưng sản xuất từ ngày 7-11, theo báo cáo của VSSA.
Ngoài khó khăn về tài chính, các nhà sản xuất còn gặp thách thức đến từ việc thời tiết chuyển biến bất thường. VSSA cho biết diện tích mía có thể thu hoạch trong niêm vụ 2017-2018 dự kiến khoảng 255,4 ha, giảm 0,7% so với diện tích hồi đầu vụ, năng suất bình quân giảm 0,65% xuống còn 63,33 tấn/ha.
Vì thế, Ban chấp hành VSSA đã họp và đưa ra quyết định điều chỉnh dự báo sản lượng đường sản xuất trong niên vụ 2017-2018 là 1,475 triệu tấn, giảm 4,8%, tương đương giảm 75.775 tấn so với kế hoạch đầu vụ. Tuy nhiên, dù sản lượng giảm nhưng giá mua đường vẫn ổn định như niên vụ 2016-2017, với giá mua tại ruộng dao động từ 830 đồng đến 1.150 đồng/kg.
Năm nay được dự báo là năm khó khăn của ngành đường trong nước khi thuế nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực ASEAN (theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN gọi tắt là ATIGA) có nhiều khả năng sẽ về mức 0% từ 1-1-2018. Đường nhập khẩu khi chịu thuế 0% nhiều khả năng sẽ có giá rẻ hơn so với đường bán ra tại các nhà máy. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của ngành mía đường nội địa không bằng các nước nên dẫn đến giá thành sản xuất luôn cao hơn các nước khác trên thế giới.
Bằng chứng là đường No5 trên thị trường Luân Đôn, Anh giao kỳ hạn tháng 3-2018 chỉ ở mức 388,9 đô la Mỹ/tấn(tương đương 8.800 đồng/kg). Trong khi đó, giá đường bán tại các nhà máy dao động ở mức 12.700-13.400 đồng/kg.
Những nguyên nhân nói trên đã ít nhiều tác động đến hoạt động sản xuất của các nhà máy đường trong nước.
Theo nhận định của VSSA, trong thời gian tới, sẽ còn nhiều nhà máy đường phải đóng cửa vì càng sản xuất càng thua lỗi.
Một xu hướng đang diễn ra trong ngành là một số nhà máy chọn phương án bán lại cho các doanh nghiệp tiêu thụ đường nhằm có đầu ra ổn định. Cụ thể, mới đây, Công ty Đường Khánh Hòa đã bán 65% cổ phần cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Sau khi nắm cổ phần chi phối, Vinamilk đã đổi tên doanh nghiệp này thành Công ty cổ phần Đường Việt Nam.
Bên cạnh đó, sẽ có công ty kết hợp với các đối tác để phát triển hệ thống bán lẻ như Tập đoàn TTC vừa mới hợp tác với Tập đoàn KIDO để mở rộng kênh bán rẻ. Động thái này giúp TTC nâng tổng số điểm bán hàng lên đến 400.000 điểm bán, tăng gấp đôi so với trước đó.
Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)