Cùng với việc giá sắn tăng và có các nhà máy thu mua, cây sắn ở Nghệ An đang được nông dân mở rộng. Tuy nhiên, cần bước đi chậm và chắc cho cây sắn.
Miền tây Nghệ An đất rộng, đồi núi nhiều, mật độ dân cư thấp, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số. Với tập quán canh tác giản đơn, đầu tư thâm canh ít nên cây sắn đã gắn bó máu thịt với người dân nơi đây từ xa xưa. Ngày nay, trình độ sản xuất của người dân miền núi đã được nâng lên, trồng cây gì có thị trường tiêu thụ ổn định, cho thu nhập khá là bà con tập trung sản xuất cây đó nhiều.
Dễ trồng, cho thu nhập khá
Bà Ngân Thị Cư ở xã Tam Thái, huyện Tương Dương cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên gia đình bà trồng được hơn nửa ha sắn ở chân đồi, cuối năm cho thu hoạch, bán hết ngay tại ruộng cho thương lái với giá từ 2.500 - 3.000 đồng/kg sắn củ tươi, thu về trên 20 triệu đồng. Sang năm 2022, thấy sắn vừa là loại cây dễ trồng, vừa cho thu nhập khá, lại dễ tiêu thụ nên gia đình bà mở rộng diện tích trồng sắn lên gần 1ha.
Sắn là cây dễ trồng, đầu tư ít, cho thu nhập khá nên nông dân rất dễ dàng mở rộng diện tích.
Mặc dù sắn từ khi trồng đến khi cho thu hoạch mất gần 1 năm, nhưng không phải mất nhiều công chăm sóc và trồng loại giống sắn cao sản do Phòng NN-PTNT huyện đem về nên cho năng suất từ 18 – 20 tấn/ha, cao hơn hẳn các giống sắn cũ của địa phương đã trồng trước đây. So với trồng lúa nương, lúa rẫy và trồng keo thì trồng sắn cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần.
Hiện nay, xã Tam Thái đang trồng xấp xỉ 200ha sắn, lãnh đạo UBND xã cho biết, bà con nông dân rất muốn mở rộng diện tích trồng sắn nhiều hơn nữa. Nhưng UBND xã khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng ồ ạt để tránh tình trạng được mùa, mất giá như đã gặp phải những năm trước đây, tuy rằng ngày nay đã có nhà máy chế biến tinh bột sắn Á Châu sẵn sàng thu mua hết sắn củ cho bà con nông dân.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/nghe-an-can-buoc-di-cham-nhung-chac-cho-cay-san-d347266.html