Cảnh Thắng Thứ Sáu, ngày 19/04/2019 19:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) Chuẩn bị đến mùa thu hoạch, nhưng vựa dưa lê ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An) bị nhiễm bệnh, héo chết hàng loạt khiến người nông dân nơi đây đứng ngồi không yên.
·Thịt lợn an toàn: Nuôi lợn theo chuỗi, nông dân hết sợ “bão dịch”
·Quảng Bình: Nông dân trúng mùa dưa hấu, tư thương săn mua tận ruộng
Dưa lê bị nhiễm bệnh, héo chết hàng loạt
Trung tuần tháng 4.2019, chuẩn bị đến mùa thu hoạch dưa lê, nhưng hàng chục hộ nông dân ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An) không thể thu hoạch được do dưa bị nhiễm bệnh, héo chết hàng loạt khiến người nơi đây vô cùng lo lắng.
Trao đổi với NTNN/DânViệt, chị Nguyễn Thị Ngọc trú ở xóm 2, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu buồn bã cho hay: “Mọi năm vào thời điểm này, người dân chúng tôi đều tất bật bước vào vụ thu hoạch dưa lê bán cho thương lái, nhưng năm nay không hiểu vì sao dù dưa lê cho ra quả, nhưng lại không thể thu hoạch. Cả ruộng dưa lê héo rũ, nhiễm bệnh hàng loạt, quả còi cọc, cực chẳng đã chúng tôi đành bán với giá rẻ bèo, hoặc đem cho hàng xóm”.
“Cứ nghĩ vụ trồng dưa lê năm nay nhà tôi có thêm thu nhập từ 20 triệu đến 50 triệu đồng, nhưng nào ngờ dưa héo chết như vậy, khiến gia đình tôi mất trắng. Tiền vay mượn để mua giống, phân bón mất sạch, trồng vụ mới biết lấy vốn đâu ra đây”, chị Ngọc cho biết thêm.
Chị Nguyễn Thị Ngọc trú ở xóm 2, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu buồn bã khi diện tích dưa lê của gia đình mình bị nhiễm bệnh chết héo. Ảnh: CT
Cùng cảnh ngộ với gia đình chị Ngọc là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Xuân khi hơn 3 sào dưa của anh chuẩn bị thu hoạch cũng bị héo và chết dần. Quá chán nản, anh Xuân phải phá bỏ toàn bộ số dưa mình trồng để làm đất chuẩn bị trồng ngô.
“Nhà tôi có 3 sào dưa, năm ngoái bán được 30 triệu đồng, nhưng năm nay mới chỉ thu hoạch được 1 đợt thì dưa bị bệnh tàn phá. Dù chúng tôi đã cố gắng cứu chữa nhưng không hiệu quả. Cây dưa cứ héo và chết dần, quả thì bị sâu tấn công".
Theo quan sát của P.V, dưa lê tại xã Diễn Kỷ đều có đặc điểm chung là quả nhỏ thì bị héo, quả to thì bị sâu ăn từng mảng, còn cây bị chết khô, cháy lá... Cả cánh đồng dưa rộng mênh mông phải bỏ thối dần ngoài đồng không có người mua.
Chưa rõ nguyên nhân
Trao đổi với NTNN/ Dân Viêt, ông Ngô Đình Tưu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu cho hay: Sau khi nhận được phản ánh của các hội viên nông dân tại xã Diễn Kỷ về tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp trên cây dưa lê, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện xuống hiện trường để tìm hiểu tình hình. Tuy nhiên đến thời điểm này, chúng tôi cũng chưa rõ nguyên nhân dẫn đến việc dưa bị bệnh, chết hàng loạt như vậy.
"Theo ý kiến của một số hộ trồng dưa, có thể là do thời tiết diễn biến phức tạp, sương mai nhiều, dẫn đến sâu bệnh. Bên cạnh đó, có thể do chất lượng cây giống, một số hộ lấy giống không rõ nguồn gốc dẫn đến thiệt hại nặng nề” - ông Tưu nói.
Trong khi đó, trao đổi với ông Lê Thế Hiếu - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu (Nghệ An), ông Hiếu cho biết: Trước tình trạng cây dưa lê bị nhiễm bệnh, chết héo hàng loạt, chúng tôi đã xem xét nhiều nguyên nhân. Đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định không phải do chất lượng giống, bởi qua nắm bắt tình hình thì cây dưa vẫn phát triển tốt, cho quả nhiều. Bước đầu xác định nguyên nhân có thể do thời tiết năm nay thất thường, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, gây hại khiến cây dưa bị chết héo, quả bị sâu ăn thủng lỗ chỗ”.
Dưa lê dù quả to nhưng bị sâu bệnh không thế bán ra thị trường được. Ảnh" CT
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Huyến - Chủ tịch UBND xã Diễn Kỷ cho hay: “Xã Diễn Kỷ là địa phương có truyền thống trồng dưa lê của huyện Diễn Châu, hàng năm người dân trồng khoảng hơn 10ha, chiếm đến 70% diện tích dưa lê toàn huyện. Năng suất bình quân dưa lê đạt từ 8 -10 tạ/sào, nếu chăm sóc tốt có thể đạt 12 tạ/sào; với giá bán từ 12.000 - 15.000 đồng/kg tại ruộng, mỗi sào dưa cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay do tình hình sâu bệnh phức tạp, dưa bị chết héo nên nhiều hộ lâm cảnh trắng tay, hộ nào may mắn thì cũng chỉ thu nhập được 3 đến 5 triệu đồng”.
Được biết, hiện nay chính quyền địa phương bước đầu đã cùng người dân tập trung thu gom quả hư hỏng, đào hố chôn tiêu hủy.