HÀ TĨNH - 'Chưa năm nào trồng hoa Tết khó như năm này', anh Văn Ngọc Cường tại thôn Xuân Sơn, xã Thạch Xuân vừa kiểm tra luống hoa cúc kim cương vừa chia sẻ...
Thời điểm này, nông dân trồng hoa tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc hoa để kịp phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ.
Vụ hoa năm 2024, gia đình anh Đậu Xuân Thắng tại thôn Bắc Quý (xã Thạch Quý, Thành phố Hà Tĩnh) đầu tư trồng hơn 500 chậu cúc kim cương phục vụ Tết Nguyên Đán. Để hoa nở đúng dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, hơn một tháng qua, anh đã dùng phương pháp chong đèn cho hoa vào ban đêm để “đánh thức”, không cho hoa “ngủ”.
Chong đèn để biến đêm thành ngày nhằm kích thích cây hoa tiếp tục sinh trưởng vào buổi tối, nhanh phát triển. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Anh Thắng cho biết, trước khi cúc đơm nụ, để cúc phát triển nhanh, người trồng cúc chong đèn cả đêm. Từ khi trồng đến 1 tuần tuổi là bắt đầu tưới nước, bón phân chăm sóc. Khi cúc trồng được khoảng 1 tháng bắt đầu chong đèn.
“Thắp đèn để biến đêm thành ngày nhằm kích thích cây hoa tiếp tục sinh trưởng vào buổi tối, nhanh phát triển. Như vậy 24/24 giờ, các chậu hoa sẽ liên tục nhận năng lượng từ ánh sáng và quang hợp để lớn lên, cây cúc sẽ cao lớn hơn, thân thẳng và đặc biệt là nở đúng thời gian theo ý định" - anh Thắng chia sẻ.
Cũng theo anh Thắng, thời gian hoa cúc sinh trưởng khoảng 4 tháng. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, chăm sóc, loại hoa cúc và kinh nghiệm riêng của mỗi người trồng… mà nhà vườn canh thời gian phù hợp cắt điện để cúc “ngủ”, phát triển tự do, lấy sức đơm búp để hoa nở đúng dịp Tết.
Người trồng hoa phải thường xuyên túc trực chăm sóc hoa, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, dinh dưỡng phù hợp để hoa nở đúng dịp Tết. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Trên diện tích 500m2 nhà màng, gia đình ông Nguyễn Văn Tiến tại thôn Qúy Linh, xã Thạch Xuân (Thạch Hà, Hà Tĩnh) trồng gần 2 vạn cúc màu, giống cúc được nhập từ Đà Lạt với giá 200 đồng/cây. Ông Tiến cho biết, sau khi kết thúc vụ dưa lưới, gia đình bắt tay ngay vào làm đất, lên luống, bón lót đầy đủ và đầu tháng 10 âm lịch để xuống giống hoa vụ Tết. Đến thời điểm này, hoa cúc đã trồng được gần 1 tháng, gia đình ông đang tập trung chăm sóc để cây phát triển tốt và hoa nở đúng dịp Tết.
Theo đó, ông Tiến thường xuyên tưới nước nhằm đảm bảo đủ độ ẩm cho cây, tùy theo chiều cao của cây ông giăng lưới để giữ cho cây đứng vững, thẳng hàng. Với quy trình chăm sóc cẩn thận cùng sự theo dõi chặt chẽ của người trồng, những cây hoa cúc trong vườn của ông Tiến đang sinh trưởng đúng tiến độ.
Từ đầu vụ đến nay, mưa nhiều khiến đất ẩm ướt, làm phát sinh các bệnh tuyến rễ khiến rất nhiều cây hoa bị chết. Ảnh: Ánh Nguyệt.
“Chưa năm nào làm hoa khó như năm này”, anh Văn Ngọc Cường tại thôn Xuân Sơn, xã Thạch Xuân vừa kiểm tra luống hoa cúc kim cương vừa chia sẻ. Vụ hoa năm nay anh Cường xuống giống hơn 5 vạn cây hoa cúc các loại, trong đó có hơn 3 vạn cúc màu và 2 vạn cúc kim cương. Anh Cường cho biết, thời tiết năm nay gây khó khăn cho việc trồng hoa. Từ đầu vụ đến nay, mưa nhiều làm đất ẩm ướt làm phát sinh các bệnh tuyến rễ khiến nhiều cây bị chết.
Chính vì vậy những ngày này, các nhà vườn phải thường xuyên túc trực chăm sóc hoa, theo dõi cây phát triển, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, dinh dưỡng phù hợp để hoa nở đúng dịp Tết. Theo anh Cường, ngoài yếu tố thời tiết, người trồng hoa cần nắm vững nhiều kỹ thuật để kiểm soát tốc độ sinh trưởng của cây.
Hoa cúc là giống chủ lực được người dân Hà Tĩnh trồng để phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Bà Lê Thị Tố Như, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thạch Xuân cho biết: Toàn xã hiện có hơn 3.500m2 nhà màng trồng hoa, những năm gần đây, thị trường hoa cúc khá ổn định, mang về nguồn thu khá cho người dân. Thời điểm này, người dân đang tích cực chăm sóc hoa phục vụ dịp Tết Nguyên Đán. Chính quyền địa phương thường xuyên cử cán bộ trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nhằm giúp bà con chăm sóc hoa hiệu quả nhất, đảm bảo một vụ hoa thắng lợi.
Cũng như xã Thạch Xuân, nhiều năm nay, thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) nổi tiếng với những làng hoa cúc Đà Lạt. Giống hoa này đã trở thành giống chủ lực được nông dân chọn trồng để phục vụ thị trường Tết.
Vụ hoa năm nay, gia đình ông Hồ Sỹ Lưu tại thôn Xuân Sơn trồng hơn 40.000 gốc hoa cúc, 340 chậu cúc và 100 chậu hoa ly. Ông Lưu cho biết: "Để những luống hoa khoe sắc đúng dịp Tết, người trồng hoa phải chăm sóc rất tỉ mỉ, công phu từ khâu làm đất, ươm giống đến theo dõi tình hình thời tiết để chủ động cho hoa nở đúng thời điểm. Ngoài ra còn phải thường xuyên theo dõi sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời”.
Việc đầu tư nhà màng giúp nông dân chủ động hơn trong trồng hoa, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.
Theo đó, từ khoảng tháng 10, gia đình ông đã dọn dẹp, vệ sinh đất sạch sẽ, bón vôi khử trùng, bón lót sẵn phân hữu cơ để chuẩn bị sản xuất vụ hoa Tết. Thời điểm này, gia đình ông đang tập trung làm cỏ, xới xáo, vun gốc và giữ ẩm bằng cách tưới phun mưa.
Theo ông Bùi Công Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, vụ hoa Tết năm nay, xã có 74 hộ trồng hoa theo mô hình nhà lưới với tổng diện tích 3,2ha, cho thu nhập tốt hơn rất nhiều so với trước đây trồng rau màu. Nhà lưới được các hộ đầu tư cùng sự hỗ trợ của các chương trình chính sách nhà nước. Những hộ dân được tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nên ngày càng sản xuất cho năng suất cao, mỗi năm trồng 1 vụ hoa, 2 vụ dưa lưới.
Những năm gần đây, người trồng hoa tại Hà Tĩnh đã đầu tư phát triển, mở rộng quy mô. Đây được xem là hướng đi đúng và bền vững, không chỉ giúp người dân khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn mang lại thu nhập cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn mỗi dịp lễ, Tết.
Ánh Nguyệt