Người trồng vải ở Hải Dương lo lắng đầu ra

Chỉ sang đầu tháng 5 là nông dân Thanh Hà sẽ thu hoạch vải sớm. Người dân đang lo lắng về đầu ra cho quả vải khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bà Cao Thị Mây ở xã Thanh Xá có hơn 9 sào vải trong vùng xuất khẩu, được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người trồng vải ở Thanh Hà đang lo lắng cho đầu ra của quả vải.

Tập trung chăm sóc 

Thời điểm này, nhiều người dân Thanh Hà tập trung chăm sóc để quả vải lớn nhanh, ít bị sâu bệnh. Anh Nguyễn Văn Bỉnh ở thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Quang cho biết gia đình hiện có hơn 1,5 mẫu vải thiều sớm. Loại sớm nhất hơn một tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Anh Bỉnh đang phun thuốc chống sâu đục quả non và phòng bệnh sương mai, thán thư. “Đối với cây vải không thể lơ là được vì chỉ cần quên không phun thuốc trừ sâu bệnh đúng lứa sẽ bị hỏng quả ngay. Vải đang vào thời kỳ rụng sinh lý nên tôi cũng áp dụng nhiều cách để vải không bị rụng quả quá nhiều”, anh Bỉnh nói.

Năm nay, nhiều diện tích vải ở xã Thanh Xá có hiện tượng ra hoa nhiều lần. Một cây có thể ra hoa, đậu quả 2-3 lần. Bà Cao Thị Mây ở thôn 3, xã Thanh Xá cho biết cây ra hoa, đậu quả không đều như vậy rất khó chăm sóc. Nhưng bà vẫn kiên trì canh thời tiết để chăm sóc cây vải tỉ mỉ. Gia đình bà Mây có hơn 9 sào vải trong vùng xuất khẩu. Bà áp dụng đúng quy trình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP.

Huyện Thanh Hà hiện có 3.503 ha vải, gồm khoảng 1.600 ha vải thiều sớm và gần 2.000 ha vải thiều chính vụ. Vụ vải năm nay, Thanh Hà đề nghị cấp mã số cho 17 vùng trồng với tổng diện tích 155 ha, trong đó 9 vùng đã có mã số vùng trồng xuất sang Mỹ, Úc, EU và 8 vùng đang đề nghị cấp mã số xuất sang Nhật Bản. Những vùng được đề nghị cấp mã số tập trung ở các xã Thanh Quang, Thanh Xá, Thanh Thủy và Thanh Sơn. Các vùng vải để xuất khẩu đòi hỏi vườn vải phải được vệ sinh sạch sẽ và tuân thủ yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Ngoài đúc rút kinh nghiệm trong sản xuất, người trồng vải Thanh Hà còn tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật để chăm sóc vải.

Quan tâm thị trường trong nước

Theo nhận định của UBND huyện Thanh Hà, năm nay sản lượng vải sẽ cao hơn năm ngoái. Chỉ sang đầu tháng 5 là nông dân Thanh Hà sẽ thu hoạch vải sớm. Người dân đang lo lắng về đầu ra cho quả vải. Bà Cao Thị Mây cho biết gia đình bà vẫn chăm sóc cẩn thận nhưng không biết thời gian tới quả vải sẽ được tiêu thụ ra sao. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống nên việc xuất khẩu vải đi các nước khác có thể khó khăn, còn tiêu thụ trong nước thì khả năng giá sẽ không cao. 

Ông Đoàn Văn Hùng ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy đã gắn bó với cây vải hơn 20 năm nhưng chưa năm nào ông thấy lo lắng như năm nay. “Chúng tôi quanh năm gắn bó với ruộng vườn, đến lúc thu hoạch thì có người đến tận nơi thu mua nhưng năm nay có thể sẽ rất khó khăn”, ông Hùng nói. 

Huyện Thanh Hà đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc cây vải đúng quy trình, nâng cao chất lượng quả. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay UBND huyện sẽ khảo sát, đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường trong nước, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía nam. Các phòng chuyên môn cũng đang tăng cường tìm hiểu, kết nối đưa quả vải Thanh Hà vào chuỗi các siêu thị.

Sản lượng vải dự kiến tăng 20.000 tấn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng vải của tỉnh năm nay dự kiến đạt 45.000 tấn, tăng 20.000 tấn so năm 2019. Trà vải sớm đạt khoảng 20.000 tấn, vải thiều đạt khoảng 25.000 tấn. ​

Sở khuyến cáo người dân bón thúc kịp thời và đầy đủ, đúng kỹ thuật để tăng tỷ lệ đậu quả, giảm tỷ lệ quả rụng sinh lý. Nông dân cần chủ động cung cấp đủ nước cho cây, tạo điều kiện cho quả vải tạo cùi thuận lợi, nhất là các vùng vải trên địa bàn TP Chí Linh. Các cơ quan khuyến nông cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đo độ axit của nước mưa, sự phát triển của các đối tượng gây hại để khuyến cáo người dân phòng trừ bệnh sương mai, sâu đục chẽ, nhện lông nhung hại quả non kịp thời, hiệu quả, nhất là trong điều kiện mưa phùn, độ ẩm cao... PV

Minh Nguyệt (Báo Nông nghiệp Việt Nam)