Từ chỗ không mấy ai biết tới, Sơn La hiện đã trở thành vựa nhãn nổi tiếng với diện tích hơn 20 nghìn ha, lớn nhất nước.
Tỉnh Sơn La vừa khép lại mùa thu hoạch nhãn, tổng sản lượng quả đạt gần 145.000 tấn, là vụ được mùa nhãn lớn nhất trong nhiều năm lại đây.
Lợi thế trời phú
Ông Hoàng Mạnh Đoàn, Giám đốc HTX Nuôi ong bản Nướt ở xã Chiềng Khoong, Sông Mã (Sơn La) kể, cây nhãn được người Hưng Yên lên xây dựng kinh tế mới và gieo trồng ở đây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ngày đó các cụ (gồm thân sinh ông Đoàn) chỉ đơn giản nghĩ trồng để lấy quả ăn chơi và đưa hình ảnh cây đặc sản của quê hương lên quê mới cho đỡ nhớ quê. “Tuy là cây gieo hạt, nhưng nhờ đất đai màu mỡ, thời tiết thích hợp, cây nhãn đã nhanh chóng bén chân, sai hoa, trĩu quả trên quê hương thứ hai của các cụ”, ông Đoàn kể.
Nhãn Sông Mã đang được chuyển đổi trồng trên các chân đất đồi đốc là chính. Ảnh: Hải Tiến.
Do một thời gian dài chịu ảnh hưởng của nền kinh tế bao cấp, giao thông đi lại khó khăn, khoa học kỹ thuật chưa phát triển nên cây nhãn Sông Mã đã bị dậm chân tại chỗ, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Phải tới đầu thế kỷ 21, cùng với sáng tạo trong kỹ thuật canh tác của bà con nông dân, giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào thay thế các giống nhãn thực sinh cũ, cộng với sự vào cuộc của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) lên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và kết nối thị trường, nhãn Sông Mã mới trở thành cây trồng hàng hoá giá trị cao, giúp xoá đói, giảm nghèo, làm giàu cho người dân vùng cao.
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả phân tích: Điều kiện sinh thái của Sơn La nói chung, huyện Sông Mã nói riêng rất thích hợp cho cây nhãn sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực. Cụ thể, khí hậu hàng năm ở đây chia thành hai mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến 10.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/nhung-loi-the-giup-son-la-tro-thanh-vua-nhan-lon-nhat-nuoc-d360968.html