Nông dân chọn tạo giống lúa đặc sản

Nông dân Nguyễn Anh Dũng ở xã Định An, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp tự nghiên cứu chọn tạo nhiều giống lúa mới.

Đặc biệt, ông đã chọn tạo thành công 5 giống lúa đặc sản có năng suất, chất lượng cao, phẩm cấp gạo vượt trội...

Ông Nguyễn Anh Dũng trao đổi với nông dân về giống lúa Ngọc đỏ hương dứa.

Năm 2000, trở về quê từ quân ngũ, ông Dũng bắt đầu nghề nông với 6.500 m2 đất lúa của gia đình. Trong thời gian canh tác giống lúa IR50404, ông nhận thấy, đây là giống ngắn ngày, cho năng suất cao, ít sâu bệnh nhưng phẩm chất gạo thấp.  Năm 2006, ông Dũng đã tham gia lớp SX giống nông hộ, tập huấn kỹ thuật trồng lúa, phòng trừ sâu bệnh do Viện Lúa ĐBSCL và ĐH Cần Thơ tổ chức.

Với kiến thức đã học, ông quyết định tự chọn tạo bắt đầu từ cặp lai nếp Thái - IR50404 và IR50404 - OM 6976 để chọn ra những cá thể vượt trội rồi tiếp tục nhân giống. Qua 6 vụ trồng chọn lọc, đến năm 2008, ông Dũng đã tìm được cá thể giống lúa vượt trội, đặt tên là LD2008.

Tuy nhiên, đáng tiếc là khi đưa vào SX trên diện tích 5.000 m2 thì kết quả không như mong muốn. Ông Dũng kể, thất bại lần đầu, nhưng bản thân không nao núng. Ông tiếp tục kiên trì công việc lai tạo một cách cẩn thận hơn. Đến năm 2012, giống lúa mang tên LD2012 ra đời với thời gian sinh trưởng ngắn (88 – 92 ngày), kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn rất tốt.

Cơ duyên đến với nghề đi tìm giống lúa đặc sản được minh chứng rõ nhất là khi ông Dũng tình cờ phát hiện một giống có màu đỏ, ăn dẻo, có mùi thơm lá dứa đặc trưng nên được đặt tên là Ngọc đỏ hương dứa.

Loại lúa này có hạt dài, thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày, thân cao, có khả năng chống chịu đổ ngã tốt, kháng rầy nâu và đạo ôn rất tốt, không cần bón nhiều phân nhưng cho năng suất cao, từ 6 - 7 tấn/ha và đặc biệt là hàm lượng chất dinh dưỡng trong gạo rất cao.

Tham quan mô hình trình diễn lúa giống tại HTX Giống nông nghiệp Định An.

Ông Dũng chia sẻ: “Một lần tình cờ đi thăm đồng, phát hiện cá thể lúa có mùi thơm lạ, tôi mang về nghiên cứu, tuyển chọn, phân ly và nhân giống. Sau khi tuyển chọn được dòng thuần nhất, năm 2014 tôi tiến hành SX hàng hóa trên giống lúa có màu đỏ và mùi thơm lá dứa này.

So với những giống lúa cùng dòng trên thị trường, giống lúa Ngọc đỏ hương dứa có đặc điểm nổi bật: hạt dài, mùi thơm lá dứa đậm, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất đạt từ 6 - 7 tấn/ha. Trước khi mở rộng diện tích SX hàng loạt, tôi nhờ một số chuyên gia ở ĐH Cần Thơ phân tích thành phần dinh dưỡng lúa cho kết quả tốt”.

Đến nay, Ngọc đỏ hương dứa được xem là giống lúa gắn liền tên tuổi người nông dân Nguyễn Anh Dũng và trở thành đặc sản của huyện Lấp Vò. Ngoài Ngọc đỏ hương dứa, LD2012, ông Dũng còn chọn tạo thành công nhiều giống lúa được thị trường đánh giá cao như: Tím sen, Tím Sữa, ND3, LV6, dòng phân li OM384... Trong đó có nhiều giống được nông dân ưa chuộng để SX đại trà.

Anh Lê Văn Tạo ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, Đồng Tháp cho biết, 3 năm nay anh đều sử dụng 2 giống OM384 và LD2012 bởi giống có xuất xứ rõ ràng, đồng đều không phân tầng, khả năng chống chịu sâu, rầy tốt, năng suất khoảng 800 kg/1.000m2/vụ.

Với tư duy muốn đi nhanh thì đi cùng nhau, ông Dũng đề xuất thành lập HTX Giống Nông nghiệp Định An nhằm tìm hướng đi riêng thông qua việc chọn tạo các giống lúa mới, đặc thù cho địa phương. Đến nay HTX đã có 19 thành viên với vốn điều lệ trên 250 triệu đồng và quy mô SX 30ha đất, do ông Nguyễn Anh Dũng làm Giám đốc.

Quy trình đóng gói gạo Ngọc đỏ hương dứa tại HTX Giống nông nghiệp Định An.

Một khi thị trường được mở rộng, nhu cầu tiềm năng lớn, đòi hỏi nhiều người cùng hợp sức. Vì vậy, HTX ra đời vừa phát huy được sức mạnh tập thể khi tạo ra nguồn cung dồi dào. Hiện tại HTX liên kết với Cty TNHH MTV Hồng Tân Foods, Cty TNHH Trung An (Cần Thơ), Cty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp Đồng Tháp Mười... cùng nhiều công ty khác để đảm bảo khâu tiêu thụ.

Nói về phương hướng sắp tới, ông Dũng cho biết, tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, lai tạo nhiều giống lúa mới có hương thơm đặc trưng và chất lượng cao hơn, quan trọng nhất là cung cấp nhiều hàm lượng dinh dưỡng và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Đồng thời, sẽ từng bước cải tiến SX theo hướng sạch, đưa gạo sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ông Dũng chia sẻ thêm ý tưởng thực hiện mô hình nông nghiệp thân thiện, “trải nghiệp làm nông dân”. Mô hình này sẽ có nhiều hoạt động thú vị được thực hiện ngay trên cánh đồng an toàn. Du khách được trồng lúa, câu cá, bơi xuồng, tự tay xay gạo, nấu ăn…

Bằng niềm đam mê công việc và tinh thần tiên phong trong cách nghĩ cách làm, ông Nguyễn Anh Dũng đã hai lần vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012 và 2017); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT (năm 2009); Huy chương vàng tại Festival Quốc tế Nông ngiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (2017)…

 

MỸ NHÂN