Nông dân Gia Lai đang bước vào thu hoạch nhiều loại nông sản. Tuy nhiên, tình cảnh mất mùa, mất giá tái diễn đã ảnh hưởng lớn tới thu nhập và đầu tư vụ kế tiếp.
Trên ruộng khoai lang Lệ Cần đang thu hoạch, ông Hoàng Văn Trung (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) buồn rầu: Vụ này, khoai chỉ thu khoảng 8 tấn/1 ha, giảm chừng 4 tấn so với vụ trước. Lý do chính là thời điểm khoai lang xuống củ, cần nước thì thời tiết khô hạn trong thời gian dài. Thiếu nước nên khoai ít củ, mà củ nhỏ, không đảm bảo xuất khẩu, giá bán cũng thấp. Là loại nông sản đặc hữu của địa phương, nhưng giá khoai năm nay chưa tới 7.000 đồng/1 kg, tính ra thu nhập chỉ đủ chi phí đầu tư chăm sóc.
Ông Hoàng Văn Trung cho biết, đây cũng là tình cảnh chung của người dân ở vùng nguyên liệu 100 ha khoai lang Lệ Cần xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa.
Khoai lang Lệ Cần (huyện Đăk Đoa) mất mùa, mất giá.
“Năm ngoái, giá khoảng 12.000 đồng/1 kg, năng suất khoảng 12 - 13 tấn/1 ha. Năm nay thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh và khí hậu không thuận lợi như năm ngoái. Nói chung nông dân lúc lỗ, lúc lời, năm nay trồng không đạt thì năm sau trồng giảm diện tích, không trồng nhiều nữa” - ông Trung cho biết.
Tình cảnh thất thu cũng đang xảy ra với vùng sản xuất cà phê ở Gia Lai. Bà Bùi Thị Thanh, Chủ tịch UBND xã Ia Nan, huyện Đức Cơ cho biết, xã có gần 600 ha cà phê bị giảm năng suất do hạn hán.
Cụ thể, mỗi ha cà phê chỉ thu được từ 12 - 15 tấn quả tươi, giảm gần một nửa so với năm trước. Năng suất giảm, giá nhân công thu hái lại khá cao (trên 200.000 đồng/1 công), khiến mỗi ha cà phê, nông dân chỉ có lợi nhuận chừng 10 triệu đồng, không có tiền để đầu tư cho vụ tới.
Vụ cà phê này, nông dân Gia Lai gặp khó khăn vì năng suất giảm và giá cả thấp, giá nhân công thu hái cao.
Bà Bùi Thị Thanh chia sẻ: “Như năm nay hạn hán ảnh hưởng 594,5 ha cà phê, bị thiệt hại từ 30 đến 50%. Chúng tôi đã báo cáo với huyện, huyện hướng dẫn rà soát, vận động các hộ dân tự khắc phục, và làm văn bản đề nghị nhà nước hỗ trợ”.
Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đức Cơ, Gia Lai, cho biết, ước tính niên vụ này chỉ riêng cà phê giảm năng suất đã gây thiệt hại khoảng 67 tỷ đồng. Diện tích cà phê bị ảnh hưởng nặng nhất là ở những vùng được chuyển đổi từ diện tích cao su, do không đủ nước tưới trong mùa khô.
Theo ông Nguyễn Quốc Tư, cùng với việc hỗ trợ để người dân giảm bớt khó khăn, có nguồn vốn tái đầu tư, địa phương sẽ rà soát kỹ những diện tích cà phê không hiệu quả, hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng phù hợp hơn.
“Chúng tôi sẽ rà soát và đề xuất chuyển đổi. Nếu người dân quyết tâm chuyển đổi cùng sự định hướng của nhà nước thì sẽ được hỗ trợ những chính sách kèm theo. Ví dụ như hỗ trợ giống, trợ giá giống, các loại cây phù hợp với khí hậu, hoặc trợ giá theo hướng liên kết. Kiên quyết là không để tình trạng những diện tích cây trồng đã bị hạn hán mà vẫn tiếp tục trồng mới thì sau này lại tiếp tục thiệt hại” - ông Nguyễn Quốc Tư nêu rõ./.
Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên