Nhiều loại nông sản ở Gia Lai đang có một mùa vụ bội thu. Dưa hấu, khoai mì, khoai lang... đều có giá cao kỷ lục. Nông dân phơi phới niềm vui.
Người dân trồng dưa hấu phấn khởi vì giá cao. Ảnh: Tuấn Anh
Dưa hấu, khoai mì “hốt bạc”
Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, đồng thời các cửa khẩu được thông quan, thương lái đổ về nhiều vùng trồng dưa hấu tại tỉnh Gia Lai thu mua với giá cao khiến người dân rất phấn khởi.
Huyện Krông Pa có diện tích dưa hấu lớn nhất tỉnh Gia Lai với 698 ha. Những ngày này, nông dân đang tất bật thu hoạch, gương mặt lộ rõ sự vui mừng khi giá dưa hấu cao kỷ lục.
Trồng 1,4 ha dưa hấu, ông Trương văn Hưng (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) hồ hởi cho biết, dù chưa thu hoạch nhưng thương lái đã đến đặt cọc để bao tiêu hết vườn dưa hấu của gia đình. Năm nay dưa hấu rất được giá, khoảng 7.000-8.000 đồng/kg, trong khi vụ trước giá chỉ khoảng hơn 2.000 đồng/kg.
Nhiều ngày qua, thương lái ở khắp nơi từ Bắc Ninh, Nha Trang, Quảng Ngãi... ùn ùn kéo về Krông Pa để thu mua dưa hấu khiến người dân nơi đây có một mùa vụ “hốt bạc”.
“So với trồng cây thuốc lá thì cây dưa hấu dù giá cả và thị trường có bấp bênh hơn nhưng bù lại không phải tốn nhiều thời gian cho việc chăm sóc. Đặc biệt, trồng dưa hấu dễ có sự đột phá hơn về mặt kinh tế cho gia đinh. Vườn dưa hấu ước tính thu về khoảng 420 triệu đồng, trừ hết chi phí, gia đình tôi cũng có lãi khoảng 200 triệu đồng", ông Hưng phấn khởi.
Vụ này, Gia Lai có gần 1.500 ha dưa hấu, chủ yếu tại 4 địa phương vừa mới xảy ra dịch Covid-19 như Thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện, Ia Pa và Krông Pa. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, cây dưa hấu sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất cao, khoảng 40-50 tấn/ha. Tính đến thời điểm hiện tại, giá thu mua dưa hấu tại ruộng khoảng từ 7.000-8.000 đồng. Như vậy, mỗi ha người dân có lợi nhuận bình quân trên 200 triệu đồng.
Khoai mì năm nay đươc mùa, được giá. Ảnh: Tuấn Anh
Giống như dưa hấu, cây khoai mì (sắn) cũng đang có một mùa thu hoạch bội thu. Được biết, năm nay nhu cầu nguyên liệu tăng dẫn đến giá khoai mì cao hơn những năm trước khoảng trên 1.000đ/kg.
Gia đình anh Mộc Ngọc Thạch (làng Klah, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) có 7 ha khoai mì đang thu hoạch được chất thành từng đống cao như núi, có củ to bằng bắp tay. Anh Thạch cho biết, những người trồng khoai mì năm nay may mắn vì giá mì lên đến 2.650 đồng/kg củ tươi, trong khi những năm trước giá chỉ từ 1.600- 1.700 đồng/kg. Trừ mọi chi phí, gia đình lãi khoảng 200 triệu đồng.
Khoai mì là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng hơn 79 ngàn ha, tập trung chủ yếu ở thị xã An Khê, huyện Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa... Tuy năng suất, sản lượng bị giảm khoảng 30% (do một số diện tích bị bệnh khảm lá), nhưng giá bán tăng tới 150% nên năm nay người dân trồng khoai mì ở Gia Lai vẫn có lãi từ 20-40 triệu đồng/ha.
Đánh giá về các mặt hàng nông sản được giá, ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết: Với dưa hấu, đây là vụ thu hoạch được mùa, được giá nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân là do thương lái thu mua để chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều cửa khẩu giao thương với Trung Quốc phải tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, giờ các cửa khẩu đã được thông thương trở lại, do đó giá dưa hấu tăng cao.
Trong khi đó, khoai mì giá mua xô thời điểm hiện tại khoảng 2.600-2.700 đồng/kg tươi, là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Với giá như hiện tại, người dân có lời trung bình từ 15-20 triệu đồng/ha.
Người trồng khoai lang Nhật thu tiền tỉ
Được xem là thủ phủ khoai lang Nhật của tỉnh Gia Lai, huyện Phú Thiện những ngày qua tấp nập cảnh mua bán. Thương lái tranh nhau mua khoai lang ngay tại ruộng. Năm nay, khoai lang được giá nên chính quyền địa phương không cần giải cứu như vụ trước.
Ông Đỗ Văn Năm (xã Chư A Thai, huện Phú Thiện) cho biết, hiện thị trường đang thu mua xô khoai lang với giá trung bình khoảng 10.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với mùa vụ trước. Trung bình 1ha cho năng suất khoảng 20-25 tấn.
“Gia đình tôi hiện có 5 ha khoai lang chuẩn bị thu hoạch, ước tính sẽ thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng. Trừ hết các khoản chi phí, gia đình vẫn lời hơn 500 triệu đồng”. Theo ông Năm, thị trường khoai lang Phú Thiện năm nay may mắn vì mùa mưa diễn ra sớm nên bà con xuống giống trước so với các địa phương khác như Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng. Vì vậy, mùa vụ khoai lang này không bị cạnh tranh nhiều về thị trường dẫn đến giá cao.
Thương lái đến tận vườn thu mua khoai lang của người dân. Ảnh: Tuấn Anh
Cũng ở xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, ông Phạm Văn Khải cho biết, gia đình ông có 3 ha trồng khoai lang, khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên thời điểm hiện tại đã có nhiều thương lái đến đặt cọc để mua hết nhưng gia đình ông vẫn không bán.
Nguyên nhân là do thương lái đưa giá 9.500 đồng/kg, trong khi gia đình muốn bán với giá 10.000 đồng/kg. Nếu bán với 10.000 đồng/kg thì mỗiha thu khoảng 230 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 70 triệu đồng gia đình ông cólời 160 triệu đồng/ha.
Theo anh Khải, giá khoai lang cao có thể do thương lái ở tỉnh Lâm Đồng thu mua để đẩy mạnh xuất khẩu. Vụ đông xuân 2019-2020, nông dân huyện Phú Thiện trồng 424 ha khoai lang Nhật, tập trung chủ yếu ở xã Ia Sol và Chư A Thai.
Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện cho biết, người dân trồng khoai lang năm nay rất phấn khởi khi giá tăng cao. Thời điểm hiện tại giá khoai lang mua tại ruộng giao động từ 8.500-9.000 đồng/kg. Trong khi, chỉ cần giá 4.500 đồng trở lên người dân trồng khoai lang đã có lãi.
Cũng theo ông Quý, thời điểm trước Tết, nỗi lo lớn nhất của người dân trong huyện là thị trường đầu ra thì nay không còn nữa. Hiện, thương lái đã mua hơn 2/3 diện tích khoai lang của toàn huyện. Từ khi xuống giống được khoảng 1 tháng, thương lái đã đến đặt cọc mua ngay tại ruộng. Theo tìm hiểu được biết, năm nay do dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới nên Trung Quốc đã đổ xô sang Việt Nam thu mua khoai lang, dẫn đến giá tăng cao.
Cần định hướng phát triển lâu dài
Dù năm nay nông sản Gia Lai được giá, được mùa, nhưng nhìn về mặt tổng thể mặt hàng này phát triển vẫn chưa mang tính bền vững.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, cây dưa hấu hiện chưa có trong quy hoạch các loại cây trồng của huyện vì không ổn định thị trường tiêu thụ cũng như diện tích trồng. Tuy nhiên, diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn hàng năng vẫn tăng bất chấp đại dịch Covid-19. Nông dân trồng dưa hấu chủ yếu từ các nơi khác đến thuê đất để canh tác và một số ít người dân trong huyện trồng.
Chính quyền địa phương cần có định hướng để người dân trồng dưa hấu phát triển bền vững. Ảnh: Tuấn Anh
Tuy nhiên, người thuê đất trồng dưa chưa quan tâm đến việc cải tạo hay giữ gìn chất đất. Trong quá trình sản xuất đã sử dụng một lượng lớn thuốc BVTV, thuốc kích thích sinh trưởng cho cây trồng nên dễ lây truyền sâu bệnh, làm mất độ phì, tơi xốp của đất. Bên cạnh đó, thương lái đến mua dưa hấu tại huyện theo hình thức tự do, không ký hợp đồng hay trợ giá thu mua sản phẩm cho nông dân.
Trước những quan ngại đó, Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa đề nghị các xã cần khuyến cáo người dân cẩn thận trong việc cho thuê đất vì dưa hấu là cây ngắn ngày nhưng lại làm lỡ thời vụ của các cây trồng khác.
Sau khi canh tác dưa hấu, các hộ dân nên thực hiện luân canh các cây họđậu để cải tạo, làm tăng độ phì của đất. Đối với các hộ dân địa phương, cần tuyên truyền lựa chọn các loại cây trồng phù hợp, đảm bảo đầu ra ổn định, tránh gieo trồng ồ ạt vì dưa hấu tuy có giá trị kinh tế cao nhưng mức đầu tư và rủi ro thiệt hại cũng rất lớn.
Đối với cây khoai mì, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà chú trọng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Đồng thời, người dân trồng khoai mì cũng nên hạn chế sử dụng lại nguồn giống cũ, nên chọn giống có chất lượng, kháng bệnh cao như giống KM94 hoặc một giống mới được giới chuyên môn nghiên cứu, thẩm định để giảm thiểu nguồn sâu bệnh.
Ông Mai Ngọc Quý cho biết, dù thắng lớn nhưng khoai lang cũng có những mùa vụ rớt giá thê thảm, người dân thậm chí phải nhổ bỏ vì không có lãi. Để ổn định thị trường, UBND huyện đã tổ chức hội nghị mời gọi các doanh nghiệp về địa phương để giới thiệu và ký cam kết thu mua khoai lang cho nông dân.
Huyện cũng khuyến cáo người dân phải trồng khoai lang theo hợp đồng ngay từ đầu vụ nhằm tránh tình trạng bị ép giá cũng như không phải vất vả tìm kiếm nơi tiêu thụ. Có như vậy, người dân trong vùng mới mạnh dạn đầu tư và yên tâm sản xuất.
Đăng Lâm - Tuấn Anh