BÌNH THUẬN - Nhiều vườn thanh long đang đau đầu với ốc sên nhỏ gây hại, cơ quan chuyên môn cũng đã đưa ra cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ.
Ốc sên nhỏ xuất hiện nhiều
Ông Nguyễn Tánh, một người trồng thanh long ở thôn 5, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn có mưa nên ốc sên nhỏ xuất hiện hầu như vườn nào cũng có không nhiều thì ít. Hiện thanh long bước vào thời kỳ chong đèn, nếu không quản lý chúng sẽ gây hại và cắn phá các cành non, hoa và trái, từ đó làm giảm năng suất, mẫu mã, giá trị trái thanh long.
Ốc sên nhỏ xuất hiện sẽ cắn phá cành non, búp, trái làm ảnh hưởng năng suất, chất lượng. Ảnh: MH.
“Trái thanh long mà bị ốc sên cắn phá sẽ bị trầy xước, thương lái không thu mua hoặc mua với giá rẻ bèo chỉ vài trăm đồng đến vài ngàn đồng/kg là cùng”, ông Tánh chia sẻ.
Như vườn thanh long nhà ông Tánh với diện tích 1,3 ha (khoảng 1.300 trụ) hiện mật độ ốc sên nhỏ xuất hiện rất dày. Điều này khiến ông không dám chong đèn thanh long vì sợ thiệt hại. Do đó để vào vào vụ chong đèn thuận lợi, ngoài biện pháp bỏ bã mồi, mỗi đêm ông cùng vợ rọi đèn ra sức bắt ốc sên, có hôm bắt được vài ký.
Tương tự, vườn thanh long 300 trụ của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Phương, ở xã Tiến Lợi (TP Phan Thiết) thời gian qua cũng bị ốc sên nhỏ gây hại. Chị cho biết, cách đây hơn 1 tháng, vườn thanh long nhà chị đang chong đèn.
Thời điểm này có mưa xuống nên ốc sên xuất hiện nhiều đã gây hại cành non, búp khoảng 30%. Cũng may chị phát hiện sớm nên dùng tay bắt kết hợp mua thuốc nhử ốc để tiêu diệt nên đã hạn chế phần nào.
Thời điểm này ốc sên nhỏ xuất hiện nhiều vườn thanh long. Ảnh: MH.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, ốc sên nhỏ (Bradybaena similaris Ferus) là đối tượng gây hại khá phổ biến trên các vườn trồng thanh long. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xuất hiện loài ốc sên nhỏ gây hại mạnh trên cây thanh long.
Ốc sên nhỏ phát sinh và gây hại mạnh vào mùa mưa trong điều kiện ẩm độ cao và nhiệt độ dưới 30°C. Ở Bình Thuận, ốc sên nhỏ thường gây hại nặng vào thời điểm cuối mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
Theo số liệu điều tra tháng 9/2021 cho thấy, hiện ốc sên nhỏ phát sinh và gây hại nặng trên các vườn thanh long với diện tích 958 ha, tập trung tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Thị xã La Gi và TP Phan Thiết. Điều đáng nói, diện tích ốc sên gây hại được so sánh tăng 53 ha so với tuần trước và tăng 324 ha so với cùng kỳ năm trước.
Trái thanh long bị ốc sên cắn sẽ mất giá trị, bán rẻ bèo. Ảnh: MH.
Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, cao điểm mùa mưa bão năm nay ở Trung bộ là tháng 10, tháng 11 và có thể kéo dài đến tháng 12. Do đó, trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều đợt mưa vừa đến mưa to trên địa bàn tỉnh, đây là điều kiện thích hợp cho ốc sên nhỏ phát sinh và gây hại mạnh trên vườn thanh long.
Biện pháp phòng trừ
Nhằm hạn chế thiệt hại do ốc sên nhỏ gây ra cho cây thanh long, ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận khuyến cáo các nhà vườn biện pháp quản lý, phòng trừ. Trong đó, các nhà vườn trồng thanh long cần dọn sạch cỏ dại, phát quang bờ ranh, cắt tỉa cành già, cành vô hiệu để tạo độ thông thoáng cho trụ thanh long để hạn chế nơi trú ẩn của ốc. Bên cạnh đó, có thể thả vịt vào vườn thanh long với mật số 10 con/ha để quản lý ốc.
Hiện cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo các nhà vườn các biện pháp phòng trừ ốc sên gây hại. Ảnh: MH.
Sử dụng vôi bột rải lên mặt đất xung quanh gốc thanh long vào buổi chiều tối và sử dụng bả diệt ốc. Việc sư dụng bả diệt ốc bằng cách sử dụng hoa thanh long, trái thanh long hư cắt mỏng, trộn với cám ướt và thuốc diệt ốc. Sau đó vào buổi chiều mát, gần tối rải tại những nơi ốc trú ẩn như đầu trụ, hàng ranh...
Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận cũng đã đề nghị Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân trồng thanh long trên địa bàn các biện pháp quản lý, phòng trừ ốc sên gây hại thanh long.
Kim Sơ