Cục Bảo vệ Thực vật vừa đề nghị các Sở NN-PTNT tích cực theo dõi và phòng chống sinh vật gây hại cây trồng trong dịp Tết Canh Tý.
Sâu keo mùa thu gây hại trên ngô.
Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 là thời điểm dễ bộc phát một số sinh vật gây hại chính trên cây trồng.
Vì vậy, để bảo vệ an toàn cho sản xuất, Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, TP chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật / Chi cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan chuyên môn: Phân công lãnh đạo và cán bộ trực ban, phối hợp chặt chẽ với địa phương giám sát đồng ruộng; thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm, nắm chắc diễn biến, cảnh báo và hướng dẫn nông dân phòng chống sinh vật gây hại trên các loại cây trồng kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt, các tỉnh, TP cần quan tâm đến một số sinh vật gây hại chính tại từng vùng. Cụ thể, các tỉnh Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ: Theo dõi và chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh đạo ôn, sâu năn hại lúa; tiếp tục lấy mẫu rầy nâu di trú giám định tỷ lệ nhiễm virus gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá để chủ động chỉ đạo phòng chống.
Các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên: Nắm chắc thông tin diễn biến của thời tiết để chủ động dự báo và hướng dẫn phòng chống các đối tượng sinh vật gây hại bùng phát trong điều kiện mưa trái vụ, thời tiết bất thường. Đặc biệt lưu ý sinh vật gây hại trên cây điều, cà phê như (bọ xít muỗi và bệnh thán thư), hồ tiêu (bệnh chết nhanh, chết chậm), sầu riêng (bệnh Phytopthora), thanh long (bệnh đốm nâu)…
Các tỉnh phía Bắc: Triển khai đồng loạt các biện pháp diệt chuột trong thời gian đổ ải, làm đất vụ Đông Xuân; chủ động các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét cho mạ; thực hiện tốt công tác quản lý rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen trên mạ và lúa mới gieo, cấy; duy trì lấy mẫu rầy lưng trắng giám định xác định tỷ lệ mang virus gây bệnh lùn sọc đen để chủ động hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống.
Đối với sâu keo mùa thu hại ngô: Các tỉnh tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cán bộ kỹ thuật, nông dân nhận biết về sâu keo mùa thu và các biện pháp phòng chống; nắm chắc tình hình xuống giống, đẩy mạnh công tác điều tra, phát hiện để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng chống.
Đối với bệnh khảm lá hại sắn: Các cơ quan chuyên ngành ở cấp tỉnh, cấp huyện kiểm soát chặt chẽ nguồn giống sắn trên địa bàn, tổ chức thông tin tuyên truyền và có biện pháp ngăn chặn doanh nghiệp, cá nhân mua bán hom giống từ các vùng bị bệnh, sử dụng giống sạch bệnh từ vùng không bị nhiễm bệnh; chỉ đạo điều tra phát hiện sớm, chủ động phòng chống bệnh theo quy trình kỹ thuật Cục Bảo vệ Thực vật đã ban hành.
Các cơ quan chuyên ngành cần phối hợp với cơ quan truyền thông, thông báo tình hình sinh vật gây hại, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm và xử lý kịp thời đối với các sinh vật gây hại có nguy cơ bùng phát; không tiến hành phun thuốc bảo vệ thực vật với mục đích phòng khi chưa cần thiết để “yên tâm ăn tết”.
Thanh Sơn (Báo Nông nghiệp Việt Nam)