LÀO CAI - Việc triển khai mô hình thâm canh cây ăn quả ôn đới gắn với phát triển du lịch sinh thái mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Lào Cai.
Lào Cai có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây ăn quả ôn đới như: Mận Tả Van, mận hậu, mận tam hoa, lê VH6… Việc triển khai thực hiện mô hình thâm canh cây ăn quả ôn đới gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân nơi đây mà còn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Lào Cai, góp phần bảo đảm môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho bà con.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai hướng dẫn nông dân vít cành, bọc quả. Ảnh: Lưu Hòa.
Mở hướng đi mới cho nông nghiệp
Cây ăn quả ôn đới nói chung và cây lê VH6 nói riêng là những cây trồng thế mạnh tại các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai. Hàng năm, các địa phương vẫn luôn ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư để nâng cao năng suất, giá trị thu nhập cho nông dân trồng cây ăn quả ôn đới. Quả lê VH6 có vị đặc trưng, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, bên cạnh đó, giống lê VH6 thường chín sớm hơn, do đó có lợi thế về thị trường tiêu thụ, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Tuy nhiên, hiện năng suất và giá trị thu nhập từ cây lê VH6 tại các địa phương như Bắc Hà, Sa Pa... chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về khí hậu. Nguyên nhân là hầu hết các diện tích lê VH6 được trồng phân tán, địa hình chia cắt, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ... Bên cạnh đó, mức đầu tư thâm canh của người dân còn hạn chế, nhiều hộ dân trồng và chăm sóc cây ăn quả theo phương thức canh tác cũ như ít bón phân, không vít cành, tạo tán, không chủ động phòng trừ sâu bệnh và đặc biệt là không bọc quả nên mẫu mã và chất lượng quả thấp. Các vùng trồng lê bà con chưa biết tạo ra cảnh quan đẹp để thu hút khách du lịch thăm quan, trải nghiệm.
Xuất phát từ những tồn tại đó, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã phối hợp với UBND huyện Bắc Hà triển khai thực hiện mô hình thâm canh cây ăn quả ôn đới gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà) với quy mô 3ha/12 hộ tham gia.
Áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật vào thâm canh cây ăn quả ôn đới giúp tăng giá trị, tăng thu nhập cho bà con. Ảnh: TL.
Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ các loại vật tư như phân bón hữu cơ sinh học, đạm, kali, thuốc BVTV sinh học, túi bọc quả. Bà con cũng được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, thâm canh cây ăn quả ôn đới. Đến nay, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với UBND xã Tả Van Chư tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật và cấp phát các loại vật tư hỗ trợ đảm bảo chất lượng và thời vụ sản xuất.
Mô hình triển khai bước đầu đã góp phần thay đổi nhận thức cho nông dân vùng khó khăn về việc cần thiết phải chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp với nhu cầu mới của thị trường, khắc phục những tồn tại khiến chất lượng quả thấp, mở ra hướng canh tác mới phù hợp với trình độ, tập quán của nông dân vùng cao, tạo thu nhập ổn định, ít bị rủi ro và ảnh hưởng do thị trường biến động. Mặt khác, việc sử dụng các loại vật tư như phân bón hữu cơ sinh học, thuốc BVTV sinh học giúp bảo vệ sức khoẻ người sản xuất và không gây ô nhiễm môi trường.
Gắn sản xuất với nhu cầu thị trường
Các mô hình trồng cây ăn quả ôn đới kết hợp với du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Lào Cai phần lớn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch vùng để phát triển bài bản; còn thiếu sự đầu tư về kết cấu hạ tầng, thiếu dịch vụ đặc thù để phát triển bền vững...
Xã Tả Van Chư có tiềm năng rất lớn về cây ăn quả ôn đới gắn với khai thác du lịch. Ảnh: Xuân Cường.
Để mở rộng vùng trồng cây ăn quả ôn đới chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã Tả Van Chư, cơ quan chuyên môn của huyện Bắc Hà hướng dẫn các hộ tham gia mô hình thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây lê VH6 đảm bảo kỹ thuật, hướng dẫn bà con tạo cảnh quan kết hợp phát triển du lịch mang lại hiệu quả cao, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp nơi đây.
Về phía các địa phương, cần khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; động viên, hỗ trợ nông dân cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, hỗ trợ, phục vụ khách du lịch trong quá trình tham quan, trải nghiệm, du lịch tại địa phương.
Lưu Hòa