PHÒNG TRỪ BỆNH VÀNG LÁ THỐI RỄ CÂY CAM

Mỗi năm, khi mùa mưa đến là lúc cây trồng đâm chồi, nảy lộc. Tuy nhiên, trong mùa mưa cũng là thời điểm thuận lợi dịch hại phát triển mạnh trên cây ăn trái, trong đó, bệnh vàng lá thối rễ là bệnh rất phổ biến trên các vườn cam.

Đây cũng là mối quan tâm không nhỏ của các nhà vườn trồng cây có múi nói chung và cam nói riêng, vì thế nông dân cần có biện pháp phòng ngay khi mùa mưa bắt đầu. Bệnh gây hại khá nghiêm trọng trên cam, nhất là các vườn cam đang giai đoạn cho trái.

Triệu chứng nhận biết đầu tiên là lá chuyển màu vàng nhạt (phân biệt với bệnh vàng lá gân xanh là bệnh vàng lá thối rễ thì lá vàng bắt đầu từ những lá già lan dần lên đọt non, toàn bộ lá bị vàng. Trong khi bệnh vàng lá gân xanh thì triệu chứng xuất hiện ở lá non và thịt lá vàng nhưng gân lá vẫn xanh. Cây bệnh, lá rất dễ rụng khi có gió nhẹ. Lúc đầu có thể chỉ một vài nhánh, nhưng sau đó cả cây bị rụng lá và chết. Thường lá già bị rụng trước, chỉ còn một số ít lá ngọn nên trông cây rất xơ xác. Một số cây cũng có thể phát triển nhiều đọt non, bông trái nhưng trái nhỏ, chua sau đó cây chết dần. Đào rễ lên, thấy rễ bị hư thối, vỏ rễ có các sọc nâu đen, bị thối rời rạc thành sợi, bong tróc khỏi lõi rễ. Trường hợp nặng hơn, lõi rễ bị thối nâu từ chóp lan dần vào trong, phần vỏ dễ bị tuột khỏi lõi.

Bệnh do nấm Fusarium solani gây ra. Nguyên nhân sâu xa của bệnh này là tình trạng yếm khí lâu dài của đất vào các tháng mưa, do đất có thành phần sét cao nên mao quản nhỏ, giữ nước lâu và khó rút nước nên đất ở trong tình trạng thiếu oxy thường xuyên. Rễ cây phải hô hấp trong điều kiện yếm khi thường sản sinh ra nhiều polyphenol, chính chất này làm cho tế bào các rễ non bị chết. Những nơi rễ bị hư là nơi xâm nhiễm của nấm Fusarium solani (nấm này khó xâm nhiễm khi rễ còn lành lặn). Như vậy, chính điều kiện đất thiếu thoáng khí là nguyên nhân chính yếu của bệnh vàng lá thối rễ. Bệnh thường xảy ra nặng trong mùa mưa nhưng thể hiện triệu chứng vào cuối mùa mưa, đầu mùa nắng. Những vườn thiếu chăm sóc, vườn có mực thuỷ cấp cao, khó thoát nước cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

Để phòng trị bệnh nên áp dụng các biện pháp sau:

- Khi thiết kế vườn cam mới nên dọn sạch các tàn dư thực vật của các cây trồng trước.

- Đất trồng phải cao ráo, thoát nước tốt. Vườn nên có bờ bao để kiểm soát mực nước sao cho cách mặt đất ít nhất 40-50 cm. Nếu liếp làm rộng và trồng nhiều hàng thì phải có các mương rãnh phụ để giúp thoát nước nhanh sau mưa, tránh đọng nước cho các cây trồng ở hàng giữa. Trong mùa nắng tránh để cây khô hạn.

- Bón phân hữu cơ hoai mục và chế phẩm sinh học Trichoderma cho cây. Việc bón phân hữu cơ, ngoài việc làm đất được tơi xốp, thoát nước tốt, rễ cây dễ phát triển còn giúp cho nhiều vi sinh vật đối kháng phát triển mạnh, ức chế nấm Fusarium solani có sẵn trong đất.

- Thỉnh thoảng nên xới đất quanh gốc, nhất là sau những trận mưa lớn. Để trống một phần cổ rễ chính và rễ bàng lớn, chỉ phủ đất ở vùng ngọn rễ nơi kết tụ nhiều rễ con. Cách làm này giúp giảm ẩm và tăng cường ánh sáng để ngăn cản sự phát triển của nấm bệnh.

- Thường xuyên thăm vườn, phát hiện sớm, cắt bỏ phần rễ hư. Xới xáo đất để tạo sự thông thoáng làm cho đất luôn tơi xốp và thoáng khí, sau đó tăng cường bón phân lân nhằm kích thích rễ mới phát triển. Quan sát khi cây ra rễ mới, bắt đầu phục hồi thì mới bổ sung dinh dưỡng cho cây.

- Đối với các cây mới chớm bệnh, có thể sử dụng thuốc hoá học như Sakin-Zai 800WG,… tưới cho cây. Để thuốc dễ ngấm nên xới nhẹ lớp đất mặt, tưới nước đầy đủ để toàn bộ rễ được ngấm nước trước, giúp nước thuốc dễ thấm xuống ngay. Xử lý khoảng 2-3 lần., mỗi lần cách nhau khoảng ½ tháng.

Chú ý: nếu sử dụng thuốc hoá học thì ít nhất khoảng 1 tháng sau mới sử dụng chế phẩm Trichoderma.