02/08/2018, 13:50 (GMT+7)
Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Phú Yên, tỉnh đang có 125ha tiêu bị bệnh chết chậm, chết nhanh.
Cây tiêu ở xã Sơn Thành Tây bị biểu hiện vàng lá |
Trong đó, 105ha tiêu trong giai đoạn kinh doanh bị bệnh chết chậm, với tỷ lệ bệnh 1 - 6% trụ và 20ha tiêu bao gồm giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh bị bệnh chết nhanh, với tỷ lệ bệnh 0,2 - 3% trụ. Hầu hết diện tích tiêu bị bệnh là ở huyện Tây Hòa - thủ phủ trồng tiêu của tỉnh.
Bên cạnh đó vùng tiêu này còn có 100ha trong giai đoạn kinh doanh bị tuyến trùng, với tỷ lệ bệnh 1 - 20% rễ.
Chi cục Trồng trọt - BVTV Phú Yên yêu cầu nông dân tuân thủ quy trình quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu đã được Cục BVTV khuyến cáo. Theo đó, đối với bệnh chết nhanh nếu tiêu bị bệnh nhẹ và các trụ liền kề trụ tiêu bị bệnh thì xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Fosetyl-aluminium, Azoxystrobin + Difenoconazole, Dimethomorph..., liều lượng và cách dùng theo khuyến cáo ghi trên bao bì. Còn trụ tiêu nặng và cây tiêu đã chết, thì thu gom, tiêu hủy cây bệnh và vệ sinh đồng ruộng; phải xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học trước khi trồng lại.
Tiêu bị bệnh chết chậm, nếu tiêu bệnh nhẹ và trung bình có biểu hiện lá vàng và xoăn nhẹ; rụng lá nhưng chưa rụng đốt hoặc rụng lá và đốt dưới 50%. Biện pháp xử lý trừ tuyến trùng Chitosan, Ethoprophos, Carbosulfan...; trừ nấm bệnh Fosetyl-aluminium, Dimethomorph... vào đầu hoặc giữa mùa mưa.
Sau 7 ngày xử lý thuốc BVTV, tiếp tục xử lý kích thích ra rễ bằng một trong các thuốc kích thích sinh trưởng hay phân bón. Đối với cây tiêu bị bệnh nặng, lá bị rụng trên 50%, đốt rụng nhiều, bộ rễ bị hại nặng, năng suất không đáng kể, thì thu gom, tiêu hủy cây bệnh hoặc cây chết, vệ sinh đồng ruộng; xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học tối thiểu 30 ngày trước khi trồng lại.
Hiện nay Phú Yên có trên 800ha tiêu.
KIM SƠ