Quảng Bình: Bệnh khảm lá sắn lây lan nhanh trên diện rộng

Hơm 2.000ha sắn ở Quảng Bình đã bị nhiễm bệnh khảm lá. Địa phương này đang khẩn trương xây dựng mô hình giống mới kháng bệnh để nhân rộng ra sản xuất.

Thời tiết đầu niên vụ trồng sắn năm nay khá thuận lợi nên các địa phương trong tỉnh Quảng Bình hiện đã trồng khoảng 6.500ha sắn nguyên liệu. Tuy nhiên đến nay, đã có trên 2.000ha sắn nguyên liệu bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình cho hay: “Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh khảm lá sắn do virus gây hại. Đơn vị đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung phòng, chống”.

Bệnh ngày càng lan nhanh trên diện rộng

Chúng tôi về huyện Bố Trạch, nơi có diện tích trồng sắn nguyên liệu lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, toàn huyện có gần 4.000ha sắn. Trong đó có khoảng 2.000ha đã bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Trong số này, có trên 200ha đã bị nhiễm nặng với tỷ lệ trên 80%.

“Gần như địa phương nào trên địa bàn cũng có diện tích sắn bị nhiễm bệnh. Một số địa phương có diện tích nhiễm bệnh cao như xã Tây Trạch, Phú Định, Nam Trạch, thị trấn Việt Trung…”, ông Long cho biết. Cũng theo ông Long, bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka cassava mosaic virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước. Tỷ lệ bệnh phổ biến từ 30 - 50% diện tích trồng sắn trên đồng.

Nông dân huyện Bó Trạch lo lắng vì diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá rất lớn. Ảnh: T.P

Nông dân huyện Bố Trạch lo lắng vì diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá rất lớn và không ngừng lây lan. Ảnh: Tâm Phùng.

Trên cánh đồng thôn Chùa (xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch), vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuấn đang cày và vun gốc cây sắn. Trên ruộng, cây sắn đã có chiều cao chừng 20cm, phần lớn cây có bộ lá quăn queo hoặc nổi đốm lên chứ không được phẳng, xanh như bình thường.

Anh Tuấn cho hay, niên vụ năm ngoái, sắn của gia đình anh cũng đã bị bệnh như vậy, bà con không biết bệnh gì nhưng thấy lá sắn cứ quăn queo lại nên gọi chung là bệnh “mồng lá”. Sau khi phát hiện cây sắn bị bệnh, bà con cày và vun gốc, bón thêm phân gốc và phun phân bón qua lá.

“Mặc dù đã áp dụng nhiều cách để chữa trị, phục hồi cây sắn, tuy nhiên năng suất, sản lượng năm ngoái của cây sắn đã bị giảm đáng kể. Năm nay, bà con vẫn sử dụng hom giống từ cây sắn trồng ở địa phương. Tình trạng cây sắn bị bệnh “mồng lá” sớm hơn và trên diện rộng cũng như lượng cây bị bệnh trên ruộng là phổ biến”, anh Tuấn bộc bạch.

Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/quang-binh-benh-kham-la-san-lay-lan-nhanh-tren-dien-rong-d346288.html