Ông Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, loài sâu gây hại trên dừa tại Bến Tre được xác định là sâu đầu đen hại dừa.
Sâu đầu đen hại dừa thường gây hại lá dừa và phần vỏ xanh của quả dừa. Ảnh: TL.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, loài sâu xuất hiện gây hại trên dừa tại Bến Tre từ giữa tháng 7/2020 có tên gọi là sâu đầu đen hại dừa, ngoài ra còn có tên gọi khác là sâu hại lá dừa, thuộc bộ cánh vẩy, họ ngài đêm.
Sâu đầu đen hại dừa có tên gọi khoa học là Opisina arenosella Wailker, theo Cabi, sâu đầu đen hại dừa được ghi nhận trên tài liệu khoa học lần đầu tiên từ năm 1864, hiện tại, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Indonesia, Myanmar (không có Việt Nam) là những quốc gia đã ghi nhận xuất hiện loài sâu này.
Sau khi xuất hiện sâu đầu đen hại dừa trên một số diện tích dừa nhỏ tại tỉnh Bến Tre, Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre hướng dẫn bà con nông dân, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra thực tế, nếu còn sâu, nhộng tổ chức tiêu hủy bằng phương pháp chặt cành lá dừa bị sâu gây hại ngâm nước hoặc đốt để tiêu diệt trứng, sâu.
Cục Bảo vệ thực vật cũng tiến hành thông tin cho các tỉnh trồng dừa biết, đồng thời hướng dẫn phương pháp điều tra phát hiện để thống nhất điều tra, chủ động, phòng trừ. Tiếp tục điều tra phát hiện ở các nơi khác, nếu thấy có xuất hiện sâu đầu đen hại dừa tiến hành khoanh vùng, phòng trừ sớm.
Cục Bảo vệ thực vật cũng giao Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre tiến hành thử nghiệm một số loại thuốc và biện pháp phòng trừ, đồng thời giám sát chặt chẽ sự phân bố, lây lan ở các tỉnh để đề phòng sâu hại lây phát tán ra diện rộng.
Bản đồ phân bố sâu đầu đen hại dừa tại châu Á. Ảnh: Cabi.
Do hiện nay trên danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chưa có thuốc đặc trị cho sâu đầu đen hại dừa nên trước mắt Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương tiến hành các biện pháp phòng trừ là đốt, ngâm nước phần lá, quả bị sâu hại tấn công để tiêu diệt trứng, sâu.
Tổ chức bẫy đèn ban đêm để thu hút ngài sâu đầu đên hại lá dừa trưởng thành. Ngoài ra, theo ông Bùi Xuân Phong, nếu được nhà nước hỗ trợ đề tài thì thời gian tới Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành nghiên cứu để chế tạo bẫy bả pheromone.
Với các biện pháp sử dụng thuốc, trước mắt Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương sử dụng các chế phẩm sinh học như BT, nấm xanh, nấm trắng để tiêu diệt sâu bệnh trong quá trình đợi kết quả thử nghiệm thuốc chính thức từ Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam.
Nguyên Huân (Báo Nông nghiệp Việt Nam)