Đầu vụ, thị trường sầu riêng xảy ra một nghịch lý chưa từng có tiền lệ, đó là giá sầu riêng chuồng bò - một loại giống bị nhà vườn ĐBSCL bỏ đi từ lâu, bỗng nhiên tăng lên trên 80.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với sầu riêng monthoong, Ri 6.
Tuy sầu riêng monthoong, Ri 6 giảm giá nhưng nhà vườn vẫn có lãi. Ảnh: Bắc Bình
Ông Nguyễn Văn Tam, nhà vườn ở xã Long Tiên, H.Cai Lậy (Tiền Giang), phấn khởi cho biết bản thân ông cũng rất bất ngờ vì chỉ 250 kg sầu riêng chuồng bò mà bán được đến 20 triệu đồng. Trong vườn hơn 1 ha của gia đình ông hiện còn chưa tới 10 cây sầu riêng chuồng bò, bởi 8 năm trước ông đã đốn hạ cả vườn giống này do giá cả bấp bênh và năng suất thấp (khoảng 1,5 tấn/công), để trồng lại sầu riêng monthoong (hơn 2,5 tấn/công) và Ri 6 (khoảng 2 tấn/công). “Các cây này gia đình tôi chủ yếu dùng để ăn và làm quà cho người thân, bạn bè. Năm ngoái, tôi còn có ý định chặt bỏ trồng lại sầu riêng monthoong, vậy mà nay giá cao bất ngờ”, ông Tam nói.
Theo cánh thương lái, sầu riêng chuồng bò lên giá do nhu cầu tại thị trường nội địa tăng cao. Người tiêu dùng cho rằng đây là giống cũ, còn lại rất ít, không phải là nguồn kinh tế chính của nhà vườn nên được xem là sản phẩm sạch. Các giống sầu riêng cũ như chuồng bò, khổ qua... đã bị nhà vườn ĐBSCL “khai tử” từ khoảng 7 năm trước. Hiện tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang hơn 12.000 ha, thế nhưng ngay cả ngành nông nghiệp cũng không thống kê diện tích sầu riêng này vì lượng cây còn lại quá ít ỏi.
Trong khi đó, thời điểm đầu vụ thuận hiện nay, giá sầu riêng monthoong, Ri 6 giảm hơn 20.000 đồng/kg so với tháng trước, chỉ vào khoảng 40.000 đồng/kg tại vườn. Tuy nhiên, cánh nhà vườn khẳng định vẫn có lãi cao do chi phí sản xuất vụ thuận thấp hơn nhiều so với xử lý cho trái nghịch vụ. Giá sầu riêng monthoong, Ri 6 giảm mạnh vì trong vụ thuận, sầu riêng ở ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và bên Thái Lan vào mùa thu hoạch nên phải cạnh tranh gay gắt tại thị trường chính Trung Quốc.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách (Bến Tre), cho biết thời gian qua các loại trái cây truyền thống, bản địa có xu hướng hút hàng. Tuy nhiên, sau những cuộc chuyển đổi về chủng loại giống, phương pháp canh tác... thì các loại trái cây này còn rất ít. “Hiện nay người tiêu dùng theo xu hướng ưa chuộng các loại nông sản mà họ cho rằng “sản xuất sạch”. Còn trên thực tế, về độ ngon, béo, thơm... cũng như kỹ thuật sản xuất của sầu riêng giống mới đều “ăn đứt” các loại sầu riêng giống cũ”, tiến sĩ Liêm nhận định.
Bắc Bình (Báo Thanh Niên)
(Tùng Linh APC - sưu tầm)