Thay đổi tư duy sản xuất

Nhờ năng động và biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện.

Người dân vùng cao Vĩnh Sơn SX RAT theo hướng VietGAP.

Tỉnh Bình Định có 31 dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Bana, H’rê và Chăm H’roi. Sống giữa những vùng đất mênh mông, lâm nghiệp và nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu của đồng bào.

Tuy nhiên, do trước đây bà con còn nặng tư duy “tự cung tự cấp”, nên hiệu quả SX chưa phát huy tiềm năng. Bây giờ họ đã biết phát triển SX theo hướng hàng hóa nên có thu nhập cao, từng bước ổn định cuộc sống.

Đã 83 tuổi, nhưng già làng Lê Văn Ru người dân tộc Chăm ở làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) vẫn chưa cho đôi tay mình rời xa cây cuốc, cây rựa. Do tuổi tác, đôi chân già Ru giờ thường xuyên bị đau nhức, không còn cho ông lên rừng, lên rẫy. Nhưng già Ru vẫn có thể “bám vườn” với những luống rau, với chuồng trại chăn nuôi gia súc.

“Sống lâu, nhìn nhiều, già thấy rõ là phải phát triển kinh tế thì gia đình mới có được cuộc sống tốt. Nhiều người làm được như vậy thì địa phương mới phát triển”, già Ru bộc bạch.

Bản thân nỗ lực đã đành, già Ru còn hướng các con trong chuyện làm ăn. Khi các con trưởng thành, già Ru trích từ vốn liếng tích lũy qua mấy chục năm, cho 4 người con đang sống chung với vợ chồng ông mỗi người 3 con bò để làm vốn lập nghiệp.

Đến nay, đàn bò của đại gia đình đã tăng lên rất nhiều, trong đó, riêng vợ chồng già Ru đang sở hữu 20 con. Ngoài ra, gia đình già Ru còn có khoảng 4,1ha đất SXNN, trong đó có 1,5ha trồng chuối và 2ha trồng keo lai.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định đã từ bỏ tư suy SX “tự cung tự cấp”.

Gương sáng của các già làng uy tín trong các bản làng đã “soi chiếu” đến lớp trẻ. Ví như chị Đinh Thị Próc (41 tuổi) người dân tộc H’re ở thôn 2, xã An Vinh (huyện An Lão), người từng rất ngại vay vốn để làm ăn. Nhưng khi nhìn thấy những người đi trước trong làng làm ăn phát đạt, chị đã mạnh dạn vay ngân hàng 30 triệu đồng để đầu tư trồng cây keo lai.

Sau 4 năm, 5ha keo lai đã mang tiền đến cho gia đình chị. Thu nhập từ việc bán keo, chị Próc đầu tư nuôi 20 con heo, 10 con bò; cải tạo vườn để trồng thêm cây cau, cây chuối. “Tiền đẻ ra tiền”, đến nay cuộc sống của gia đình chị Próc đã chính thức “từ giã” đói nghèo.

“Gia đình tôi còn làm trên 5 sào ruộng lúa nước. Được Nhà nước hỗ trợ giống, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn quy trình canh tác, nên năng suất lúa ngày càng cao, giúp gia đình tôi vừa đủ thóc ăn vừa có tiền từ bán lượng lúa dư”, chị Próc chia sẻ.

Xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) nằm trên độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, trước đây là vùng đất cực kỳ heo hút. Thế nhưng diện mạo của Vĩnh Sơn đã sáng lên nhờ dự án rau an toàn (RAT) do Chính phủ New Zealand tài trợ. Sản xuất RAT đã mở hướng cho đồng bào Bana ở đây tiếp cận với tư duy SX hiện đại. Bức ra từ cây lúa, cây ngô và khoai sắn, đồng bào Bana đã biết trồng, sơ chế RAT.

“Được các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn, năm 2017 bà con bắt đầu trồng khoảng 7 - 8 loại rau, củ, quả trên diện tích 2.400m2. Sau gần 3 năm, bà con đã nắm vững kiến thức về SX RAT theo tiêu chuẩn VietGAP”, nông dân Đinh Zôl bộc bạch.

Rau an toàn của vùng cao Vĩnh Sơn được bày bán tại Big C Quy Nhơn.

Theo tính toán của những hộ trồng RAT ở Vĩnh Sơn, với 500m2 trồng RAT sẽ cho thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Trừ mọi chi phí, 500m2 đất trồng RAT cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Việc ứng dụng KHKT vào SXNN ở vùng cao như Vĩnh Sơn đang từng bước cho bà con có cuộc sống khởi sắc.

“Đến nay, RAT ở Vĩnh Sơn đã được siêu thị Big C đặt hàng thường xuyên. Một nhóm nông dân cùng sở thích đã ra đời với 25 hộ dân trực tiếp SX và quy hoạch mở rộng diện tích từ 35.000 - 40.000m2. Chi phí vận chuyển từ vùng cao Vĩnh Sơn về TP Quy Nhơn là khá lớn.

Thế nhưng nỗi lo này đã được giải tỏa khi dự án RAT xã Vĩnh Sơn vừa được hỗ trợ xe tải 1,5 tấn để vận chuyển rau đến các điểm tiêu thụ”, Đinh Zôl, đại diện những người trồng RAT ở xã Vĩnh Sơn, tâm sự.

DƯƠNG LAM