Niên vụ trồng sắn ở Thừa Thiên - Huế năm nay, chỉ sau hơn một tháng xuống giống, đã xuất hiện bệnh khảm lá do virus.
Bệnh khảm lá gây ảnh hưởng lớn đến năng suất sắn.
Đây là một loại bệnh nguy hiểm, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và có khả năng lây lan rất nhanh nếu không được phòng trừ kịp thời và triệt để.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 340 ha sắn bị bệnh , trong đó 150 ha bị nặng với tỷ lệ 5-10%, nơi cao 70-80%. Các diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá tập trung ở các hợp tác xã: Tây Xuân, La Chữ, Văn Xá Đông, Văn Xá Tây, Phú Ốc, Lai Thành, Hương Vân (TX. Hương Trà); các xã: Phong An, Phong Hiền, Phong Sơn, Phong Hòa (Phong Điền).
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý loại bệnh nguy hiểm này.
Ông Nguyễn Khoa Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết: Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá sắn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trong toàn huyện, trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn thống kê diện tích, thời gian trồng, cơ cấu và nguồn gốc giống sắn trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về triệu chứng, nguyên nhân, phương thức lây lan, tác hại và biện pháp quản lí bệnh khảm lá hại sắn.
"Chúng tôi khuyến cao người dân khoanh vùng bị nhiễm bệnh; tập trung diệt trừ bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh bằng các loại thuốc như Mapzono, Trebon, Basa, Vicondor…; nhổ bỏ và tiêu hủy các cây sắn bị nhiễm bệnh; thu gom toàn bộ tàn dư, cây sắn còn lại từ vụ trước trên các bờ thửa, hàng rào đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn bệnh. Đồng thời vận động nông dân tuyệt đối không được vận chuyển gom giống sắn ra khỏi vùng bị bệnh hoặc sang địa phương khác để tránh lây lan", ông Thắng nói.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cảnh báo, bệnh khảm lá sắn là một đối tượng bệnh hại đặc biệt nguy hiểm trên cây sắn. Bệnh do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus gây ra. Bệnh có khả năng phát tán và lây lan nhanh chóng qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống. Hiện chưa có thuốc để diệt trừ virus gây bệnh khảm lá sắn, chỉ có phòng bệnh là chủ yếu và khi cây sắn bị bệnh thì phải tiêu hủy. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá sắn là khảm vàng loang lổ trên lá.
“Để khống chế không để bệnh khảm lá sắn lây lan ra diện rộng, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn; sự tuân thủ của nông dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng trừ, rất cần các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc tiêu hủy những diện tích bị nhiễm bệnh cũng như sản xuất các loại cây trồng thay thế khác”, ông Thắng cho biết thêm.
Chi cục Trồng trọt và BVTV đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết về tác hại của loại bệnh này và cách diệt trừ mầm bệnh.
Theo đó, khuyến cáo người dân tuyệt đối không được để giống từ những khu vực đã bị nhiễm bệnh cho vụ sau; tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư, cây sắn còn từ vụ trước trên các bờ thửa, hàng rào đem đốt, tiêu hủy để tiêu diệt nguồn bệnh.
Ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã bị nhiễm bệnh làm giống; nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán, vận chuyển giống từ các vùng đang có dịch bệnh ra các địa phương khác; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá sắn trên địa bàn tỉnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến.
Đối với những diện tích đã bị bệnh cần xác định mức độ bệnh và giai đoạn sinh trưởng để áp dụng biện pháp tiêu hủy phù hợp.
Cụ thể, tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả củ), thu gom và đốt đối với những ruộng sắn có tỉ lệ nhiễm bệnh nhỏ hơn 70%; đối với những ruộng sắn có tỉ lệ bệnh trên 70% thì tiến hành nhổ toàn bộ cây trên ruộng, thu gom và đốt; đối với các ruộng sắn có cho thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây sắn, tận thu củ, còn thân, lá thì đem tiêu hủy.
Võ Tứ