Để đẩy nhanh việc phục hồi diện tích mía nguyên liệu, các nhà máy đường cần tiếp tục tăng giá mía cho nông dân trong niên vụ 2023 - 2024.
Diện tích mía nguyên liệu đang tăng trở lại trong 2 niên vụ vừa qua. Ảnh: Sơn Trang.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngành mía đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị cho vụ trồng mới đông xuân và vụ ép mía 2023 - 2024. Theo báo cáo của các nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2023 - 2024 sẽ có tăng trưởng so với niên vụ 2022 - 2023. Cụ thể: Diện tích mía thu hoạch 159.159ha (tăng 12% so với niên vụ 2022 - 2023); sản lượng mía chế biến 10,9 triệu tấn (tăng 13%); sản lượng đường trên 1 triệu tấn (tăng 10%).
Niên vụ 2023 - 2024 dự báo sẽ là một năm thuận lợi khi giá đường đang ở mức cao. Báo cáo thị trường tháng 8/2023 của Tổ chức đường Quốc tế (ISO) cho thấy, trong niên vụ 2022 - 2023 (vừa kết thúc vào tháng 9/2023), sản lượng đường thế giới bị thiếu hụt trên 2 triệu tấn so với nhu cầu. Điều này dẫn tới việc giá đường tăng mạnh trên toàn cầu trong năm nay.
VSSA cho biết, trong 2 vụ mía vừa qua (niên vụ 2021 - 2022 và 2022 - 2023), diện tích và sản lượng mía đã tăng trở lại. Nguyên nhân của sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ liên tiếp là giá mua mía nguyên liệu đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng lên, hiện nay đã đến mức 1,1 –1,3 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực, dẫn đến diện tích mía gia tăng. Điều này cũng cho thấy ngành mía đường Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể dưới tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam đã áp dụng từ năm 2021.
Mời bạn đọc chi tiết bài viết tại: https://nongnghiep.vn/tiep-tuc-nang-gia-de-phuc-hoi-vung-mia-nguyen-lieu-d366112.html