QUẢNG NAM - Nhiều loại cây ăn quả đã bén rễ, vươn lên xanh tốt trên những vườn, đồi đang trở thành niềm hy vọng cho bà con huyện miền núi Nam Giang vươn lên thoát nghèo.
Từ nguồn vốn của các chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã hỗ trợ cho nhiều hộ gia đình chuyển đổi cây trồng. Trên nhiều vùng đất trước đây vốn bạt ngàn cây keo, bây giờ được thay thế bởi những loại cây ăn quả như mít Thái, bưởi da xanh, cam Vinh… hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Vườn cây mít Thái của gia đình anh Cha Brang Ban đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ giúp gia đình nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: L.K.
Nhiều năm qua, cuộc sống của 5 thành viên trong gia đình Cha Brang Ban (trú thôn A Liêng, xã Tà Bhing, Nam Giang) chỉ phụ thuộc vào mấy sào lúa rẫy và gần 1ha trồng keo. Những năm được mùa, lúa thu hoạch được cũng chỉ đủ ăn, khi mất mùa lại sống trong tình cảnh thiếu thốn, chật vật. Để kiếm thêm thu nhập, những lúc nông nhàn, anh Ban phải bôn ba đi làm thuê khắp nơi với tiền công khoảng 250.000 đồng mỗi ngày. Tuy vậy, công việc cũng không ổn định, lúc có, lúc không.
Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên anh Ban cũng không dám đầu tư sản xuất gì thêm, có sao sống vậy, bấm bụng qua ngày. Đến năm 2022, khi huyện Nam Giang có chính sách hỗ trợ giống cây mít Thái, phân bón cho những gia đình có nhu cầu, anh Ban đã quyết định đăng ký thực hiện. Sau khi nhận được 100 cây giống, ông Ban đã cải tạo lại 0,2ha diện tích đất trong vườn nhà để xuống giống.
Để đảm bảo cho mô hình hỗ trợ này đạt hiệu quả, cán bộ nông nghiệp huyện Nam Giang đã trực tiếp hướng dẫn các kỹ thuật trồng, bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, vườn mít của anh Ban đạt tỷ lệ sống đến 95%, cây trồng có sức sống khỏe, một số cây đã cho những quả bói đầu tiên.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/tro-luc-cho-nguoi-dan-mien-nui-thoat-ngheo-d366019.html