ĐẮK NÔNG - Từng là xã vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của huyện Krông Nô, nhưng sau khi mang giống lúa đặc sản ST về trồng, đời sống người dân xã Buôn Choah dần đổi thay.
Vùng trồng lúa của xã Buôn Choah, huyện K’rông Nô (tỉnh Đắk Nông) nằm dưới chân ngọn núi lửa Nâm Blang đã ngủ yên.
Về Buôn Choah hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cuộc sống người dân không kém gì vùng quê khá giả ở miền xuôi. “Chú nhìn xem, giờ người dân ở đây, từ đồng bào thiểu số đến người Kinh di cư đều rất rành công nghệ, áp dụng cơ giới trong canh tác chứ không còn lạc hậu như trước nữa đâu. Cũng nhờ có giống lúa ST mà bà con khá lên. Giống lúa này trồng ở đây năng suất còn cao hơn ở đồng bằng nữa, đạt từ 11 - 12 tấn lúa tươi/ha cả đấy”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông khoe.
Cánh đồng lúa ST của HTX Nông nghiệp Buôn Choah bên dòng sông K'rông Nô. Ảnh: Hồng Thủy.
Xã Buôn Choah vốn là vùng quê chiêm trũng, nằm giữa một bên là dòng sông K'rông Nô (sông Cha, một trong 2 nhánh sông Sêrêpôk chảy ngược), bên còn lại là chân núi lửa Nâm Blang. Do thời tiết “khó ưa” hơn các vùng khác, mùa khô nắng nóng, thiếu nước, mùa mưa ngập lụt nên việc canh tác các loại cây nông nghiệp dường như cũng khó hơn.
Ông Gấm cho biết, giống lúa ST24 và ST25 được người dân mang về trồng cách đây khoảng chục năm. Sau 1 - 2 vụ, thấy năng suất rất tốt, gạo lại rất thơm, ngọt, nên dần dần mọi người theo nhau trồng. “Xã Buôn Choah có tổng diện tích đất trồng lúa nước khoảng hơn 700ha, làm 2 vụ, trước đây người dân vẫn canh tác theo cách truyền thống, lạc hậu, giống kém, nên hiệu quả thấp, đời sống luôn khó khăn. Đến khi chuyển sang trồng lúa ST thay thế các giống cũ thì mọi thứ mới thực sự thay đổi”, ông Gấm nói.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/trong-lua-dac-san-duoi-chan-nui-lua-nang-suat-12-tan-ha-d357960.html