Vụ đông xuân 2021 - 2022, các diện tích lúa áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh tại vùng Đồng Tháp Mười năng suất tăng 10 - 15%, có nơi tăng tới 20%.
Đồng Tháp Mười trải rộng trên địa phận 3 tỉnh là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Từ một vùng "đất chết", nơi mà các chuyên gia nước ngoài từng lắc đầu và khẳng định không thể khai phá, hoặc muốn khai thác trồng lúa 1ha thì kinh phí xử lý tốn cả triệu USD…
Thế nhưng hiện nay, khu vực Đồng Tháp Mười đã trở thành một trong những vựa lúa lớn của ĐBSCL và cả nước. Dù vậy, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã khiến việc sản xuất lúa của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn hơn trước.
Nhờ áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh, nông dân đã tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, năng suất lại tăng cao. Ảnh: Trung Chánh.
Anh Bùi Văn Ra, một nông dân làm lúa lâu năm tại ấp Phước Cường, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh (Long An) cho biết, vùng này có khoảng 200ha sản xuất lúa theo điều kiện tự nhiên. Sau khi nước lũ rút mới gieo sạ, do chưa có hệ thống đê bao, nông dân chỉ sản xuất 2 vụ/năm.
Lượng giống gieo sạ truyền thống từ 120 - 150 kg/ha. Ở vụ đông xuân 2021 - 2022, gia đình anh Bùi Văn Ra và 3 hộ tham gia mô hình canh tác lúa thông minh đã giảm được lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha. Trước khi xuống giống, chương trình đã lấy mẫu đất phân tích để biết các chỉ số pH, canxi/magiê (Ca/Mg). Ruộng nhà anh và các hộ trong mô hình được các nhà khoa học xếp vào nhóm 2 với chỉ số Ca/Mg từ 1 - 3. Và 4 mô hình của 4 hộ đều thực hiện bón phân theo công thức bón khác nhau để so sánh và tìm ra công thức bón phân phù hợp nhất để mang lại hiệu quả cao nhất.
Mời bạn đọc chi tiết bài viết tai: https://nongnghiep.vn/vu-dong-xuan-2021--2022-dong-thap-muoi-nang-suat-tang-hon-20-d321778.html