Khoảng 5 năm trước, không ai nghĩ rằng trên đỉnh núi xã Hồng Thái lại có thể trồng rau phát triển kinh tế, bởi đi lại khó khăn, bởi tập quán canh tác lạc hậu…
Cây lê đã trở thành cây trồng cho nhiều hộ dân ở xã Hồng Thái có cuộc sống ấm no. Ảnh: Đào Thanh.
Xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) nằm chót vót trên đỉnh núi cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Nếu từ thành phố Tuyên Quang lên xã Hồng Thái khoảng cách sẽ là 160 km, còn từ Hà Nội lên thì con số này sẽ là gấp đôi. Những năm trước dù cảnh quan nơi đây khá đẹp khí hậu trong lành, nhưng do đường giao thông đi lại khó khăn, vùng đất này bị “ngủ quên”.
Lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Hồng Thái cách đây 5 năm, tôi vẫn ấn tượng với lời bộc bạch thật tâm của anh Lý Văn Đềnh, chủ hộ trồng nhiều rau, trồng nhiều chè ở Hồng Thái: “Rau, chè ở đây người dân không có tiền nên không được "ăn" thuốc sâu. Nếu bỏ vài chục đến cả trăm nghìn mua thuốc trừ sâu thì gần như là lỗ vốn, bởi khó tiêu thụ, không có người mua, người dân trồng rau tự cung tự cấp là chủ yếu”.
Tìm hiểu thực tế, những cán bộ xã ở Hồng Thái thừa nhận rằng, những câu nói của anh Đềnh là đúng. Bởi có những vụ lê, vụ chè, nhất là khi gặp trời mưa, con đường đất xuống núi trơn như bôi mỡ lại sạt lở liên miên nên người dân chẳng thể xuống chợ bán nông sản. Vì thế cả tấn lê đành bỏ thối đầy gốc; cả tạ chè xanh đành phải cho vào lò quay vội để uống dần.
Thế nhưng chính cái lạc hậu trong canh tác, nên khi có đường thông thoáng, đi lại thuận tiện lại trở thành lợi thế để xã Hồng Thái phát triển kinh tế nông nghiệp sạch theo hướng hàng hóa. Bởi tập quán canh tác ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến đồng đất ở Hồng Thái có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, thổ nhưỡng ở đây hầu như khá “sạch”.
Cũng vì lý do này nên khi ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang và chính quyền huyện Na Hang triển khai các dự án làm nông sản sạch (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ tại xã được triển khai rất nhanh và thành công. Nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Hồng Thái như lê, dâu tây, rau cải cay… đã được đi vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh, trong đó có siêu thị Vinmart Tuyên Quang và đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đặc biệt tháng 3/2020, xã có 21 ha chè được công nhận đạt chuẩn hữu cơ; sản phẩm chè shan tuyết của vùng đất này đã đến tay của Thủ tướng Malaysia.
Gia đình ông Bàn Văn Hồng thôn Khau Tràng trồng 1.000 m2 bí thơm Bắc Kạn, 30 gốc lê. 2 mô hình trồng bí và lê ông đều thực hiện theo chuẩn VietGAP. Ông Hồng cho biết, năm nay được mùa bí, mùa lê. Với hơn 1.000m2 bí thơm, ông thu được 1 tấn quả, giá 10 đến 15.000 đồng/kg, tư thương đến tận nơi thu mua, nhiều khi khách du lịch đến tận vườn thu hái. Với 30 gốc lê, trung bình mỗi gốc cho gần 1 tạ quả, giá đạt 15.000 đồng/kg. Từ nông sản sạch, mỗi năm gia đình ông Hồng lãi gần 60 triệu đồng, do đó đã đẩy lùi được cái nghèo.
Hiện toàn xã Hồng Thái có hơn 90 ha chè, trong đó có hơn 21 ha chè đạt chuẩn hữu cơ; 20 ha cây rau, củ các loại; 50 ha lê. Từ trồng rau, củ quả góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã lên co số 33,18 triệu đồng/người/năm. Tháng 7 vừa rồi, xã Hồng Thái đã tổ chức lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới.
Tiềm năng nông nghiệp sạch ở Hồng Thái được đánh thức bắt đầu từ Đại hội Đảng bộ huyện Na Hang nhiệm kỳ 2015-2020. Đây là nhiệm kỳ được huyện xác định nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trong tâm.
Khí hậu quanh năm mát mẻ là lợi thế để xã Hồng Thái trồng được dâu tây và các loại rau cải, su su quanh năm. Ảnh: Đào Thanh.
Trong nhiệm kỳ, huyện luôn tạo điều kiện khuyến khích các đơn vị, tổ chức đầu tư vào xã Hồng Thái; mời các nhà khoa học của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên sang khảo sát địa chất và tư vấn định hướng cây trồng. Nhờ đó vùng đất này đã có một số doanh nghiệp đến đầu tư làm nông nghiệp và hình thành được HTX nông nghiệp Tân Hợp và HTX Sơn Trà.
Song song với kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư vào nông nghiệp, hệ thống đường giao thông cũng được nhựa hóa được 6,16 km đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện; 5,139 km đường trục thôn, bản được bê tông hóa. Nhờ vậy, những con đường nhiều ổ voi, ổ gà trước kia không còn, việc đi lại cũng thuận tiện, nông sản được thông thương vận chuyển tiêu thụ dễ dàng hơn.
Ông Hoàng Anh Cương, Bí thư Huyện ủy Na Hang cho biết, xã Hồng Thái có khí hậu quanh năm mát mẻ, có cánh đồng ruộng bậc thang uốn lượn lưng chừng đồi. Là vùng đất có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch trải nghiệm. Đảng bộ, chính quyền huyện Na Hang đang tập trung mọi nguồn lực đánh thức tiềm năng này của Hồng Thái. Trong đó huyện đặc biệt chú trọng phát triển diện tích chè đặc sản; cây rau màu trái vụ; thực hiện sản xuất sạch gắn với xây dựng nhãn mác, thương hiệu
Chè shan tuyết xã Hồng Thái đạt chuẩn 4 sao OCOP. Ảnh: Đào Thanh.
Tại hội nghị đánh giá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang đạt sao OCOP diễn ra giữa tháng 8 vừa qua, toàn tỉnh này có 14 sản phẩm đủ điều kiện chấm điểm, trong đó có 2 sản phẩm được đánh giá 4 sao, 12 sản phẩm được đánh giá 3 sao. Trong số 2 sản phẩm được đánh giá 4 sao, thì có 1 sản phẩm chè shan tuyết của xã Hồng Thái. Điều này cho thấy vị thế của nông sản sạch ở Hồng Thái đã được nâng nên đáng kể. Để nâng cao chất lượng nông sản sạch, gắn liền với việc thực hiện chương trình OCOP, xã Hồng Thái sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc thực hiện mã số, mã vạch, thiết kế bao bì nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc đảm bảo theo quy định, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng tầm các sản phẩm lợi thế của tỉnh.
Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Na Hang tiếp tục xác định phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc sản, giá trị gia tăng cao là một trong 2 khâu đột phá. Trong đó, phát triển nông nghiệp sạch theo hướng hàng hóa gắn liền với phát triển du lịch tại xã Hồng Thái sẽ là điểm nhấn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Na Hang.
Đào Thanh