LÀO CAI - Vườn vải được trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước, có lúc bỏ lay lắt suýt bị chặt đi, nay được ông Thường cải tạo, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Vợ chồng ông Trần Hữu Thường và bà Trần Thị Mạn ở thôn Cốc Sâm, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) là một trong những điển hình chuyển đổi diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, kết hợp nuôi ong lấy mật.
Đến thăm mô hình trang trại trồng cây ăn quả, nuôi ong lấy mật của ông Thường, chúng tôi cảm phục nghị lực và ý chí của nông dân chăm chỉ này. Bằng sức lao động của chính mình, vợ chồng ông Thường đã xây dựng lên mô hình kinh tế hiệu quả, cho doanh thu gần 500 triệu đồng mỗi năm.
Vườn vải của gia đình ông Trần Hữu Thường cho thu nhập đều đặn mỗi năm. Ảnh: T.N.
Vượt qua quãng đường dài, chúng tôi đến đúng lúc gia đình ông đang tất bật thu hoạch vải để bán cho thương lái. Ông Thường cho biết, gia đình ông trồng cây vải trên đất đồi từ những năm 80 của thế kỷ trước, vì vậy có những gốc vải đã trên 40 năm tuổi.
“Cây vải càng già thì cùi càng dày, hạt nhỏ, vị ngọt đậm đà hơn. Trước kia, do không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên quả vải mẫu mã xấu, hay bị sâu đầu, giá bán thấp. Khi đó, nhiều hộ trong thôn còn chặt bỏ, phá cả vườn, nhưng vợ tôi tiếc của, cố giữ lại. Sau này, tôi nghiên cứu kỹ thuật trồng và cắt tỉa cành cho vải thiều, rồi áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn vải giờ sai trĩu quả. Quả vải không bị sâu đầu và mẫu mã đẹp, được thương lái khắp nơi đặt hàng từ lúc còn ra hoa", ông Thường nói.
Gia đình ông trồng 2 giống vải là vải thiều và vải lai Thanh Hà. Theo tính toán, mỗi cây vải cho khoảng 1,5 - 1,6 tạ quả. Với giá bán tại vườn 15 nghìn đồng/kg, vụ vải năm nay, với 60 cây vải, gia đình ông Thường thu về 6 - 7 tấn quả, trị giá khoảng 100 triệu đồng.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/vuon-vai-suyt-bi-chat-bo-nay-duoc-dat-mua-tu-luc-ra-hoa-d353919.html