07/12/2018
Cây hành tăm và cây kiệu là một trong những sản phẩm đem lại giá trị thu nhập cao cho người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Tuy nhiên, một vài vụ gần đây, cả hai loại cây này đang bị nhiễm một loại bệnh lạ, chưa rõ nguyên nhân.
Một đám kiệu bị nhiễm bệnh
Vụ sản xuất này, gia đình chị Bạch Thị Xuân ở thôn Yên Đình (Thiên Lộc) trồng gần 2 sào kiệu, hiện đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Không được đồng đều như các năm trước, nhiều luống kiệu hiện tại có biểu hiện lùn cây và tàn lụi cục bộ, mặc dù thời gian đầu mới xuống giống vẫn phát triển bình thường.
Theo quan sát của chúng tôi, cùng trong những luống kiệu phát triển bình thường, xanh tốt thì xuất hiện những vạt kiệu bị bệnh cục bộ, cây gần như không phát triển được, thân bị von, lùn, đẻ nhánh kém, bộ lá bị úa vàng. Khi nhổ lên, củ kiệu cũng bị lép, rễ bị thối…
Tại các điểm bị bệnh, cây kiệu gần như không phát triển được, thân bị von, lùn, đẻ nhánh kém, bộ lá bị úa vàng…
Theo chị Xuân, sau gần 5 năm trồng kiệu và hành, đây là vụ đầu tiên chị phát hiện cây kiệu có biểu hiện bệnh khá rõ. “Cùng một loại giống, trồng trên một luống, cùng chế độ chăm sóc nhưng sau một thời gian trồng và chăm sóc, các luống kiệu bắt đầu biểu hiện các vùng bệnh. Lúc đầu tưởng do chăm sóc kém, cây thiếu phân nên tôi tập trung bón lượng phân nhiều hơn, đồng thời ưu tiên chăm sóc nhưng càng chăm bón thì cây kiệu lại càng chậm phát triển hơn và dần bị lụi tàn” – chị Bạch Thị Xuân chia sẻ.
Chị Bạch Thị Xuân chăm sóc, dọn tỉa những cây kiệu bị bệnh
Không chỉ cây kiệu mà các diện tích hành tăm trồng trên một xứ đồng cũng có biểu hiện bệnh tương tự. Theo ước tính, tổng diện tích nhiễm bệnh hiện nay khoảng 10 ha, rải rác trên tất cả các diện tích.
“Thật ra, không phải đến vụ sản xuất này cây hành và cây kiệu mới có biểu hiện bị bệnh lạ này. Ngay ở vụ trước, mặc dù xuất hiện ít hơn nhưng diện tích hành tăm của gia đình tôi và một số gia đình khác cũng đã bị bệnh. Tuy nhiên, do diện tích bị nhiễm không đáng kể nên ít người để ý, cứ tưởng là do thiếu dinh dưỡng. Tôi rất lo, cứ đà này nếu không tìm ra loại bệnh và nguyên nhân gây bệnh để phòng trừ thì chắc chắn các vụ sau bệnh sẽ lây lan và nhân lên nhiều hơn” – bà Võ Thị Thu ở thôn Hòa Thịnh lo lắng.
Nhiều luống hành bị nhiễm bệnh đã được người dân nhổ bỏ bớt.
Được biết, với diện tích 50 ha ban đầu vào năm 2014, đến nay, xã Thiên Lộc đã có gần 130 ha đất trồng hành tăm và kiệu ở 9/10 thôn. Những năm gần đây, bình quân thu nhập từ hành và kiệu đạt 12 – 15 triệu đồng/sào (gần 300 triệu đồng/ha/vụ).
“Qua thông tin của người dân về tình hình bệnh trên cây hành và kiệu, xã đã cử cán bộ kỹ thuật và những người có kinh nghiệm tiến hành kiểm tra, nghiên cứu nhưng trước mắt chưa xác định được đây là bệnh gì và cũng chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh.
Hành và kiệu vốn là các loại cây trồng ít bị sâu bệnh gây hại. Theo nhận định ban đầu, có thể do cây hành và kiệu được người dân trồng liên tục, đất đai không được luân canh nên dẫn đến gây ngộ độc cho rễ cây. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giả thiết ban đầu chứ chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định” – Phó Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Trần Đình Bình nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Trần Đình Bình kiểm tra tình hình bệnh trên cây hành và kiệu của địa phương.
Ông Bình cũng cho biết, đối với vụ sản xuất tiếp theo, trên cơ sở những nhận định ban đầu về nguyên nhân gây bệnh trên cây hành và kiệu, xã sẽ chỉ đạo người dân chú trọng áp dụng tối đa các giải pháp kỹ thuật từ chuẩn bị giống, làm đất, gieo trồng và chăm sóc. Trong trường hợp tiếp tục xảy ra tình trạng bệnh như thế này, xã sẽ lấy mẫu gửi các cơ quan chuyên môn cấp trên kiểm tra, nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và giải pháp xử lý dứt điểm.
Nguồn: baohatinh.vn