Cục bảo vệ thực vật vừa có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố cảnh báo về nguy cơ xâm nhiễm của một loài sâu hại mới rất nguy hiểm có tên Sâu keo mùa thu vào nước ta.
Theo Cục bảo vệ thực vật, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã phát đi cảnh báo về việc xuất hiện một loài sâu hại mới có tên tiếng Anh là Fall Armyworn, tên khoa học là Spodoptera frugiperda, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Loài sâu này mới được phát hiện lần đầu tại châu Á ở Ấn Độ vào tháng 7/2018. Chúng lây lan rất nhanh và gây hại nghiêm trọng tại các vùng bị xâm nhiễm.
Sâu non sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda
Hiện nay, loài sâu này đã xuất hiện tại rất nhiều nước châu Á gồm Banglades, Srilanka, Myanmar, đặc biệt là hai nước gần Việt Nam là Thái Lan và Trung Quốc. Đây là loài sâu hại mới chưa phát hiện tại Việt Nam, được cảnh báo có khả năng phát tán vào Việt Nam và gây hại nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ngăn chặn, phòng chống kịp thời.
Sau khi xem xét về phân loại, tập tính gây hại, Cục bảo vệ thực vật đã đề nghị tên Tiếng Việt cho loài sâu hại này là “Sâu keo mùa thu”. Để chủ động phòng ngừa sự xâm nhiễm và gây hại của loài sâu hại này, Cục bảo vệ thực vật đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Sở thực hiện một số nội dung như: Phổ biến thông tin về loài sâu keo mùa thu đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông và nông dân để cùng phối hợp kiểm tra thực tế trên đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ các bẫy đèn, bẫy bả chua ngọt để thu thập mẫu. Trong trường hợp nghi ngờ, phải tiến hành lấy mẫu gửi ngay cho các cơ quan chuyên ngành nơi gần nhất giám định để có biện pháp phòng ngừa kịp thời (các Trung tâm bảo vệ thực vật vùng, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu, Trung tâm giám định kiểm dịch thực vật).
Triệu chứng gây hại trên cây ngô của sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda
Cục bảo vệ thực vật cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Cục triển khai các nội dung nhằm ngăn chặn loài sâu mới xâm hại vào nước ta. Cụ thể: Các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng cần khẩn trương chỉ đạo các trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu trong vùng tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn loài sâu keo mùa thu trên các lô hàng cây, cỏ là ký chủ của loài sâu này được nhập khẩu từ các quốc gia đã xuất hiện chúng (đặc biệt lưu ý các lô hàng nhập khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, và Campuchia). Trong trường hợp nghi ngờ, cần lấy mẫu gửi ngay về Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật để giám định.
Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật xây dựng tài liệu để hướng dẫn các cơ quan kiểm dịch thực vật và cán bộ bảo vệ thực vật các tỉnh về việc lấy mẫu giám định loài sâu hại này. Các Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu phối hợp với các đơn vị của Cục bảo vệ thực vật và cơ quan Trồng trọt - bảo vệ thực vật các tỉnh để điều tra phát hiện loài sâu keo mùa thu trên các giống cây trồng nhập khẩu gieo trồng trong vùng phụ trách. Bên cạnh đó, các Trung tâm bảo vệ thực vật vùng phân công cán bộ, phối hợp với cơ quan Trồng trọt - bảo vệ thực vật các tỉnh tăng cường điều tra, xác định sự xuất hiện gây hại của loài sâu keo mùa thu trên đồng ruộng, đồng thời hướng dẫn các địa phương các biện pháp phòng chống kịp thời, có hiệu quả.
Trưởng thành sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda
Một số dấu hiệu nhận biết loài sâu keo mùa thu
Đặc điểm hình thái: Sâu trưởng thành có chiều dài cơ thể 1,6 - 1,7cm và sải cánh là 3,7 - 3,8cm, con cái dài hơn. Trứng được đẻ thành bọc, mỗi bọc 150 - 200 trứng, quả trứng có hình cầu, đường kính 0,75mm. Ấu trùng có mầu xanh nhạt đến nâu sẫm, ở giai đoạn tuổi 6, ấu trùng dài 3 - 4cm. Nhộng có chiều dài 1,3 - 1,7cm (tùy theo con đực và con cái) và có mầu nâu sáng bóng.
Ký chủ: Sâu keo mùa thu Spodoptera frugiperda là loài sâu hại đa thực, chúng có thể gây hại trên 80 loại cây trồng, gây hại nặng trên nhóm cây họ hòa thảo như: ngô, lúa, kê và cây mía. Ngoài ra cũng đã được phát hiện gây hại trên các loại rau, cây bông.
Phân bố: Loài sâu keo mùa thu đã được phát hiện gây hại tại các quốc gia thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ (Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ) và một số quốc gia tại châu Âu. Trong đó tại châu Á loài sâu hại này đã xuất hiện và gây hại tại Ấn Độ, Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan, Yemen và Trung Quốc.
Lê Bền (Báo Nông nghiệp Việt Nam)