Xuống giống thu đông đảm bảo ăn chắc

AN GIANG. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống ở trong 699 tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để 100% với diện tích xuống giống.

Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: An Giang là tỉnh đầu nguồn thường sản xuất lúa thu đông rất dễ bị ảnh hưởng nước lũ về làm thiệt hại. Vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chỉ xuống giống ở trong 699 tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để 100% với diện tích xuống giống 160.957 ha toàn tỉnh.

xuống giống lúa nông dược việt nam

Nông dân An Giang đang tập trung xuống giống lúa thu đông 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Lâm, ngành nông nghiệp tỉnh cùng các địa phương kiên quyết trong việc chỉ đạo xuống giống thu đông theo khung thời vụ quy định và theo thông báo xuống giống né rầy. Thời gian xuống giống trên cùng 1 tiểu vùng không quá 7 ngày và không để nhiều trà lúa đan xen nhau.

Thời gian xuống giống không kéo dài quá 2 tháng mỗi vụ để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, muỗi hành (sâu năn) và các loài sâu bệnh hại khác gây ra.

Trong sản xuất lúa thu đông, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp như: IPM, "3 giảm 3 tăng" và '1 phải 5 giảm", chú ý giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 - 100 kg/ha, thay vì trước đây từ 150 - 180 kg/ha.

Bên cạnh đó, chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình "ruộng lúa bờ hoa" để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ... Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp giúp cây lúa khỏe như bổ sung vi lượng, phân bón có chứa canxi, silic… giúp cây lúa tăng tính chống chịu tự nhiên, kết hợp thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời.

LÊ HOÀNG VŨ