Bọ xít

Giới thiệu chung

Cùng với rệp sáp, sâu đục trái, đục cuống trái, đục gân lá, nhện lông nhung, bọ cánh cứng ăn lá, bọ xít dài,…thì bọ xít nhãn (Tessaratoma papillosa Drury) thuộc Họ bọ xít năm cạnh (Pentatomidae), Bộ cánh nửa (Hemiptera) cũng là một loài sâu hại thường xuất hiện và gây hại ở hầu hết các vùng trồng nhãn ở nước ta hiện nay. Ngoài nhãn, loài bọ xít này còn có mặt và gây hại trên một số cây ăn trái khác như vải, cam, quýt, táo, đào, lê…

Ngoài Việt Nam, bọ xít nhãn còn phân bố ở miền nam Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Thailand, Pakistan…  

1.1 Triệu chứng và mức độ gây hại 

Bọ xít nhãn gây hại bằng cách con trưởng thành và đặc biệt là con ấu trùng (bọ xít non) tập trung chích hút nhựa của những bộ phân non của cây nhãn như đọt lá non, cuống hoa, trái non. Tuỳ theo mật số bọ xít cao hay thấp (đặc biệt là bọ xít non) mà các chùm hoa nhãn có thể bị chết khô và rụng từng phần hoặc chết khô và rụng hoàn toàn, trái non bị khô rụng, ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến năng suất trái của cây nhãn (thực tế sản xuất ở các tỉnh Phía Nam cho thấy, nếu mật số cao có thể gây thất thu đến 80-90% năng suất trái). Các chùm trái khẳng khiu, trơ trụi, chỉ còn sót lại một ít trái nhỏ là triệu chứng điển hình của các vườn nhãn bị loài bọ xít này gây hại nặng.

Chính vì những lý do trên đây mà nhiều nhà vườn đã coi bọ xít nhãn là loài nguy hiểm nhất trong những loài sâu hại cây nhãn hiện nay. 

1.2. Đặc điểm nhận dạng

Con trưởng thành của bọ xít nhãn khá lớn (chiều dài khoảng 25-28mm, chiều ngang khoảng 13-18mm), có hình lục giác. Con cái có kích thước lớn hơn con đực. 

Lúc mới hoá trưởng thành cơ thể có màu nâu đất, mặt bụng được bao phủ một lớp bột sáp dầy màu trắng như vôi, sau một thời gian chuyển dần sang màu nâu vàng nhạt, trên đó có thể xuất hiện một số vệt đốm màu sẫm, lớp bột sáp ở mặt bụng cũng mỏng dần, bong lở nhiều chỗ để lộ lớp vỏ cơ thể màu nâu. 

Ngoài kích thước cơ thể lớn và phần bụng đầy đặn hơn của con cái, một đặc điểm quan trọng để phân biệt con trưởng thành cái là lỗ sinh dục trên cơ quan sinh dục ngoài của con cái nằm ở mặt bụng, còn lỗ sinh dục của con đực lại nằm ở mặt lưng và cạnh cơ quan sinh dục có hai lá bên dương cụ. 

Ngoài những đặc điểm trên đây, loài bọ xít này còn tiết ra một mùi hôi đặc trưng rất khó chịu và chất bài tiết của chúng có thể gây phỏng da nếu tiếp xúc phải. Con cái đẻ trứng thành từng hàng (một hoặc vài hàng nằm cạnh nhau) trên lá hoặc đọt non.

Trứng có dạng hình cầu, nhẵn, kích thước khá lớn (đường kính khoảng 2,3-2,7mm) lúc mới đẻ có màu xanh nõn chuối hoặc xanh ngọc sau chuyển dần sang màn xanh vàng đục, rồi vàng nâu, khi sắp nở có màu xám nâu. 

Ấu trùng có 5 tuổi, khi mới nở cơ thể có hình bầu dục, mầu đỏ tươi nhưng chỉ sau vài giờ chuyển dần sang màu tím xám, từ tuổi 2 trở đi có màu đỏ nâu với đường viền cơ thể màu đen. Tuổi 1 dài 5mm. Tuổi 2 dài 8mm. Tuổi 3 dài 10-12mm. Tuổi 4 dài 14-16mm, mầm cánh đã xuất hiện tương đối rõ. Tuổi 5 dài 18-20mm, ngoài đôi mầm cánh đã hiện rất rõ, thì lớp bột sáp bao phủ cơ thể đã dày hơn khiến cơ thể có màu xám mốc.

1.3 Đặc điểm sinh vật 

Bọ xít nhãn giao phối nhiều lần trong suốt thời kỳ sinh sản, mỗi lần giao phối kéo dài hàng giờ. Trong lúc giao phối bọ vẫn chích hút thức ăn, do đó vị trí giao phối của chúng thường thấy là trên các chồi non, chùm hoa, quả non. Hoạt động giao phối của bọ xít có thể xảy ra suốt ngày, nhưng đa số là vào buổi sáng và chiều mát.

Một đặc tính khác có thể thấy ở loài bọ xít này là khi giao phối con cái thường đậu ở vị trí cao hơn con đực. Do có thời gian sinh sản kéo dài nên bọ xít trưởng thành có các hoạt động ăn thêm, giao phối, đẻ trứng xen kẽ với nhau. 

Sau khi giao phối 1-2 ngày thì đẻ trứng. Một con cái có thể đẻ hàng trăm trứng, thời gian sống của trưởng thành có thể kéo dài tới trên 300 ngày (con cái sống dài hơn con đực).

Trứng được đẻ ở mặt dưới của lá (là chủ yếu). Thời gian trứng phụ thuộc khá nhiều vào nhiệt độ môi trường, ở nhiệt độ 22 độ C, thời gian trứng khoảng 7-12 ngày.

Ấu trùng mới nở thường sống quần tụ xung quanh ổ trứng, nấp ở mặt sau lá, 2-3 ngày sau chúng bắt đầu đi chuyển lên các chồi non, chùm hoa, trái non để chích hút nhựa. Càng lớn do nhu cầu thức ăn tăng lên, chúng phân tán dần ra xung quanh. Hầu hết thời gian ấu trùng sống lộ trên các chồi non, chùm hoa, trái non, nhưng khi lột xác chúng di chuyển xuống phía dưới và ẩn kín ở mặt sau lá. 

Khi bị khua động ấu trùng thường giả chết rơi xuống đất và tiết ra dịch hôi xua đuổi, tự vệ. Ấu trùng có khả năng nhịn đói trong nhiều ngày. Thời gian ấu trùng kéo dài khoảng 60-80 ngày (tùy theo điều kiện thời tiết và thức ăn)

1.4. Đặc điểm phát sinh phát triển

Ở các tỉnh Phía Bắc, theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn thì bọ xít nhãn chỉ có một thế hệ trong một năm (đơn hệ). Hàng năm, sau khoảng 5 tháng qua đông (trong các cành lá rậm rạp) vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, bọ xít trưởng thành rời chỗ qua đông di chuyển lên các chồi non mang nụ hoa để kiếm ăn, bổ sung dinh dưỡng. Thời kỳ này bọ trưởng thành thường bay trong vườn nhãn để tìm kiếm thức ăn và đối tượng để giao phối. Khi thời tiết ấm dần lên (nhiệt độ khoảng 25oC), hoa nhãn bắt đầu nở thì bọ xít trưởng thành cũng bắt đầu giao phối, (có thể bắt gặp hiện tượng nhiều con đực cùng chen lấn giành dật một con cái để giao phối). Phần lớn trứng được đẻ trong tháng 3 (chiếm tới 89%) số còn lại được đẻ trong tháng 4 và một phần không đáng kể trong tháng 5. Do nhiệt độ các tháng mùa xuân biến động nhiều, đôi lúc vẫn còn rét đậm nên thời gian phát dục của trứng cũng dao động từ 9-16 ngày, vì thế mà thời gian nở của bọ xít non cũng kéo khá dài trong nhiều ngày (nhưng vẫn thường tập trung nhiều nhất vào tháng 4, thời gian này mật độ bọ xít non tuổi nhỏ có khi lên đến 40-50 con/ cành)

Với tiến độ phát dục này, bọ xít trưởng thành của lứa mới sẽ xuất hiện rộ trong khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 6. Từ đây, xảy ra hiện tượng gối lứa giữa nhóm bọ xít trưởng thành qua đông từ năm trước (thế hệ bố mẹ hay lứa cũ) và nhóm bọ xít trưởng thành mới vũ hoá (thế hệ con hay lứa mới). Do đặc điểm này, mật độ bọ xít trưởng thành nói chung ở trên cây vào thời kỳ này là cao nhất trong năm. 

Đến cuối tháng 7, khi nhãn được thu hoạch xong, cành lá già cỗi xơ xác, trên cây chỉ còn bọ xít trưởng thành lứa mới. Chúng ít di chuyển (chủ yếu đậu yên chích hút thức ăn trên các lá bánh tẻ). Đến cuối tháng 9 đầu tháng 10, nhiệt độ bắt dầu giảm bọ xít trưởng thành bước vào thời kỳ qua đông bắt buộc, chúng thường ẩn nấp ở mặt sau lá của những cây um tùm rậm rạp và nằm yên ở đấy đến tận mùa xuân năm sau.

Còn ở các tỉnh Phía Nam, do khí hậu ưu ái thời tiết thuận lợi nên nhãn được nhà vườn xử lý cho ra trái nghịch mùa quanh năm, tại đây không ai quan tâm đến hiện tượng qua đông của loài bọ xít này. Mật độ bọ xít trên vườn nhãn không phụ thuộc thời gian trong năm, mà phụ thuộc rất chặt chẽ vào thời điểm ra hoa kết trái của cây nhãn, vì thế mỗi khi cây nhãn ra hoa kết trái thì bọ xít trưởng thành lại di chuyển từ những nơi khác, vườn khác (vừa thu hoạch xong) đến sinh sản tạo thế hệ mới gây hại.

Biện pháp canh tác

- Không nên trồng quá dầy, đồng thời thường xuyên tỉa bỏ những cành nhánh bị sâu bệnh, cành già, cành tăm, cành không có khả năng cho trái nằm khuất trong tán lá… để vườn nhãn luôn thông thoáng hạn chế nơi trú ngụ và qua đông quả bọ xít. Việc làm này cũng thuận lợi cho việc diệt bọ xít bằng biện pháp thủ công như rung cây, phát hiện và ngắt ổ trứng…được thuận lợi.

- Ở những vùng mà điều kiện khí hậu thời tiết bất thuận cho bọ xít, bắt buộc chúng phải có giai đoạn qua đông thì có thể tiêu diệt chúng bằng cách vào thời điểm qua đông, dùng sào móc rung mạnh cành nhãn làm bọ xít rơi xuống rồi bắt giết.  

- Những vùng có thể xử lý cho nhãn ra trái nghịch mùa, nếu được nên vận động nhiều chủ vườn trong cùng một vùng rộng lớn cùng tiến hành xử lý (cắt tỉa cành lá, siết nước, bón phân, tưới nước…) để cây nhãn ra đọt non, ra hoa kết trái đồng loạt tập trung, tránh xử lý lai rai để hạn chế nguồn thức ăn phù hợp cho bọ xít liên tục có mặt trên vườn cây.

- Những vườn nhãn còn thấp, nếu điều kiện nhân lực cho phép có thể tổ chức tìm kiếm ngắt ổ trứng bọ xít vào giai đoạn bọ trưởng thành tập trung đẻ trứng (nhãn ra hoa, đậu trái).

- Trong điều kiện cho phép có thể rải bạt dưới gốc rồi rung cây để ấu trùng bọ xít rơi xuống thu gom tiêu hủy. 

Biện pháp lợi dụng thiên địch

Trong điều kiện tự nhiên của vườn cây, thành phần thiên địch của bọ xít nhãn rất phong phú. Trong đó nhóm ăn mồi phải kể đến một số loài chim như chào mào, vành khuyên… những loài chim này bắt ăn một số lượng đáng kể trứng bọ xít nhãn ở đầu vụ, ngoài ra còn có một số loài nhện, kiến… 

Trong nhóm ký sinh phải kể đến một số loài ong ký sinh trứng như: Anastatus affjaponicus (Eulophidae), Ooencyrtus fongi (Encyrtidae)… những loài này thường xuất hiện nhiều trên vườn nhãn vào giai đoạn bọ xít đẻ trứng rộ, tỷ lệ trứng bọ xít nhãn bị ký sinh bởi 2 loài ong này khá cao (có khi lên đến gần 50% số trứng). Một số loài nấm ký sinh như Metarhizium anisopliaeBeauveria  bassianaMermis spp, Penicillium lilacium … cũng đóng góp đáng kể trong việc khống chế mật số trưởng thành và ấu trùng của bọ xít nhãn.

Tại một số nước trong khu vực cũng đã nghiên cứu và sử dụng một số loài ong ký sinh trong việc phòng trừ bọ xít hại cây nhãn như Trung Quốc (nông dân đã sử dụng ong mắt đỏ Trichogramma và ong Anastatus affjaponicus) hoặc Thailand (cũng đã nghiên cứu sử dụng ong Ooencyrtus fungivà Anastatus affjaponicus). 

Biện pháp thuốc BVTV

Phải kiểm tra vườn nhãn thường xuyên (đặc biệt chú ý giai đoạn cây nhãn ra hoa và kết trái) để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ bọ xít kịp thời. Thời điểm dùng thuốc có hiệu quả nhất là lúc ấu trùng đang ở tuổi nhỏ (tốt nhất là lúc vừa nở chưa kịp phân tán). Không nên phun thuốc khi hoa nhãn đang nở vì có thể ảnh hưởng xấu đến sự thụ phấn của hoa và gây hại cho đàn ong lấy mật.

Không nên phun thuốc tràn lan, nên tập trung ưu tiên những chỗ có nhiều bọ xít (nhất là con ấu trùng) tập trung, để giảm chi phí thuốc, công phun xịt, bảo vệ thiên địch và môi trường.

(Liên hệ với chúng tôi)

NGUYỄN DANH VÀN