Giới thiệu chung
Tên khoa học là Conopomorpha sinensis, họ Gracillariidae, bộ Lepidoptera.
Trong các đối tượng sâu bệnh gây hại vải thiều đáng chú ý nhất là sâu đục cuống quả, chúng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và phẩm chất quả vải.
1.1 Triệu chứng, mức độ hại
Trên lá lộc non, sâu non đục vào trong gân chính và gân phụ và thường làm lá bị héo.
Trên hoa, sâu non đục vào hoa và từ đó ăn dần xuống phần cuống hoa cho đến khi thành thục thì đục lỗ trên cuống hoa chui ra làm nhộng trên các lá phía dưới chùm hoa, những chùm hoa bị hại thường héo hoặc gẫy rụng.
Trên quả, khi quả còn nhỏ đến mới hình thành cùi, sâu non có thể đục vào hạt và ăn hết cơm hạt làm quả bị rụng nhiều.
Từ giai đoạn quả đã hình thành cùi đầy đủ cho đến khi thu hoạch, sâu non đục vào đến lớp cùi và từ đó ăn dần lên phần thịt xung quanh cuống quả nên làm quả dễ bị rụng gây ảnh hưởng lớn đến năng suất. Phân sâu thải ra ở phần thịt cuống quả làm giảm mạnh giá trị thương phẩm của vải.
1.2 Nhận dạng
Trưởng thành màu nâu, thân hình rất mảnh khảnh. Trên cặp cánh trước có những đường vân dích dắc màu trắng chạy dọc theo thân. Rìa cánh trước và cánh sau có hàng lông dài, đen rất mịn. Chân dài, mỏng mảnh. Phần trán trên đầu có túm lông màu trắng. Xu tính ánh sáng yếu.
Trứng nhỏ, giống như vảy có kích thước 0,4-0,5 x 0,2 mm, mới đẻ màu xanh nhạt hơi vàng, sau chuyển màu vàng rơm khi sâu non bắt đầu nở. Trên bề mặt trứng có những đường gân nổi hình mắt lưới.
Sâu non có 5 tuổi, mới nở màu trắng hoặc vàng tùy thuộc loại thức ăn trên hoa hay quả, dài 0,5 – 0,7 mm. Sâu non từ tuổi 2 trở đi có màu trắng trong. Sâu non đẫy sức dài trung bình 7,25 mm. Trước khi vào nhộng, sâu non có màu xanh vàng nhạt.
Nhộng có một lớp màng mỏng, màu trắng trong hình hơi tròn hoặc bầu dục. Màng nhộng có kích thước chiều dài x chiều rộng trung bình 14,38 x 8,52 mm, chiều dài nhộng từ 5,00 – 7,50 mm.
1.3 Sinh vật học
Trưởng thành vũ hóa tập trung vào ban đêm, từ 10 giờ tối trở đi. Sau khi vũ hóa trưởng thành thường đẻ trứng trên lá lộc non, hoa và quả.
Trưởng thành hoạt động mạnh buổi sáng sớm và chiều, bay chậm và ngắn dễ phát hiện.
Trưởng thành thường ưa thích những vườn vải có độ ẩm cao, trong tán cây rậm rạp ít ánh sáng và thường tập trung ở mặt dưới các cành lá (cành phân bố nhỏ hơn 45o so với chiều thẳng đứng) phía trong tán cây.
Mật độ trưởng thành trên các cành lá trong những cây ở chân đồi cao hơn so với sườn đồi và đỉnh đồi. Trên một đồi vải, trưởng thành phân bố trong các cây vải ở chân đồi nhiều hơn so với những cây ở sườn đồi và ở đỉnh đồi.
Trứng được đẻ trên các lá lộc non, nụ hoa và trên quả. Vị trí của trứng trên quả thường ở các khe vỏ quả (phần lớn ở vị trí gần cuống đến 1/3 quả). Trên một quả vải thường từ 1 – 6 trứng hoặc nhiều hơn trong thời gian thu hoạch quả. Trứng nở chủ yếu trong đêm.
Sâu non mới nở đục phần vỏ trứng nơi tiếp xúc với lá, nụ hoa, quả và thâm nhập ngay vào bộ phận hại, vì vậy thường không quan sát được khi sâu non nở ra và lỗ đục vào của chúng.
Sâu non thành thục đục lỗ chui ra khỏi quả vải và bò lên các lá phía trên, nhả tơ kết màng và hóa nhộng.
Nhộng thường tập trung chủ yếu ở mặt trên lá, số lượng từ 1 – 2 nhộng/lá hoặc có thể nhiều hơn ở giai đoạn thu hoạch quả.
Vòng đời của sâu đục cuống quả vải thiều từ 22 - 33 ngày. Trong đó: trưởng thành từ 6 – 13 ngày (6 – 7 ngày ở 28 - 30 0C); trứng từ 3 – 5 ngày; sâu non từ 12 – 13 ngày; nhộng từ 5 – 11 ngày (6 – 7 ngày ở 28 - 30 0C)
Sâu đục cuống quả gây hại chủ yếu trên vải, nhãn ...
1.4 Sự phát sinh phát triển
Sâu đục cuống quả phân bố ở Trung Quốc (Hải Nam, Phúc Kiến, Hồng Kông và Quảng Đông), Ấn Độ, Nepal, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Ở điều kiện nhiệt độ từ 21,66 – 30,200C, ẩm độ không khí 76,25 – 77,90% thuận lợi cho sâu đục cuống sinh trưởng phát triển.
Sâu đục cuống quả có từ 10 - 11 lứa trên năm. Trong một vụ quả thì lứa 3, lứa 5 là lứa quan trọng (thường từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5). Chúng gây hại nặng từ giai đoạn hình thành quả và giai đoạn quả bắt đầu đỏ cuống. Trên vải sớm, các thời điểm từ 10/03 – 15/03 và 20/04 – 25/04. Trên vải chính vụ, các thời điểm 10/04 – 20/04 và 15/05 – 30/05 hàng năm.
Biện pháp canh tác
Sau khi thu hoạch cần vệ sinh vườn vải, cắt tỉa tạo tán để điều chỉnh số lộc hữu hiệu, chất lượng cành lộc nhất là lộc thu, làm tăng khả năng ra hoa, tăng năng suất và cũng là hạn chế nơi cư trú của trưởng thành sâu đục cuống quả.
Sau khi thu hoạch cũng như trong thời kỳ chăm sóc, bà con đặc biệt lưu ý đến phát quang các bụi rậm xung quanh vườn để hạn chế nơi cư trú của sâu đục cuống quả vải.
Bón phân cân đối để tạo điều kiện cho cây ra hoa và phát triển quả đồng đều.
Tưới nước hợp lý, không để vườn quá khô hoặc quá ẩm để hạn chế sự phát triển và gây hại của đối tượng này.
Biện pháp lợi dụng thiên địch
Sử dụng biện pháp IPM và ICM nhằm hạn chế tối đa việc dùng thuốc hoá học.
Bảo vệ quần thể thiên địch của sâu đục cuống quả: các loài bắt mồi ăn thịt (bọ mắt vàng Chrysopa carnea (Stephens), bọ đuôi kìm Chelisoches morio (Fabricius), ...) và 2 loài ong Chelonus sp. Và Phanerotomasp. ký sinh sâu non, ... nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học trong vườn vải, khai thác giá trị kinh tế của các loài thiên địch.
Biện pháp thuốc BVTV
Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.
(Liên hệ với chúng tôi)