Cây vải

Tổng quan

Cây vải có tên khoa học Litchi chinenesis thuộc họ bồ hòn Sapindaceae là cây ăn quả đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao với hương vị thơm ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Vải khô và vải đóng hộp là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Mùa hoa vải hàng năm là nguồn nguyên liệu cho nghề nuôi ong phát triển. Cây vải có tán lá rộng nên là cây bóng mát, cây chắn gió, cây tạo cảnh quan, cây phủ xanh đất trống đồi trọc và chống xói mòn rửa trôi góp phần cải tạo môi trường sinh thái.

1.1 Tình hình gieo trồng

Cây vải có nguồn gốc tại miền Nam Trung Quốc. Trên thế giới cây vải được trồng ở 20 nước. Các nước có trồng vải tại châu Á gồm: Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Ấn Độ, Nepan, Malayxia, Indonesia, Philipin, Lào, Campuchia và Nhật Bản; Tại châu Phi: Mali, Madagaxca, Nam Phi; Tại châu Mỹ: Mỹ, Braxin, Jamaica; Tại châu Đại Dương: Úc, Niudiland.

Tuy nhiên chỉ có một số nước có diện tích trồng vải lớn đó là: Trung Quốc (cả Đài Loan) 592 nghìn ha, Việt Nam 89 nghìn ha, Ấn Độ 56 nghìn ha, Thái Lan 23 nghìn ha; các nước còn lại có diện tích trồng vải không đáng kể. 

Ở nước ta diện tích và sản lượng vải tăng cao nhanh chóng, đặc biệt giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2003, năm 1990 diện tích trồng vải mới có 5.000 ha thì năm 2003 cả nước có 86.500 ha, sau năm 2003 do giá vải liên tục giảm thấp, tiêu thụ gặp khó khăn nên diện tích vải tăng chậm và có xu hướng giảm  bớt, một phần diện tích chuyển đổi sang cây trồng khác.

Hiện nay diện tích trồng vải cả nước đạt khoảng 89 nghìn ha, được trồng chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc tại các địa phương như sau: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Sơn Động (tỉnh Bắc Giang và chiếm 45% diện tích trồng vải); Thanh Hà, Chí Linh (tỉnh Hải Dương và chiếm 16% diện tích trồng vải); Đông Triều, Tiên Yên ( Quảng Ninh); Đồng Hỷ (Thái Nguyên); Hữu Lũng, Chi Lăng (Lạng Sơn)…

1.2 Kỹ thuật canh tác

Để cây vải phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao người trồng vải cần áp dụng Quy trình kỹ thuật trồng vải do cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp tại địa phương ban hành. Đối với Quy trình kỹ thuật trồng vải người trồng cần nắm vững một số kỹ thuật then chốt sau: chuẩn bị đất và quản lý đất trồng; Mật độ và khoảng cách trồng; Giống trồng; Thời vụ trồng; Kỹ thuật trồng; Tủ gốc giữ ẩm; Bón phân; Các biện pháp kỹ thuật làm tăng ra hoa đậu quả; Tỉa cành tạo tán; Phòng trừ sâu, bệnh, cỏ dại; Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.

1.3 Dịch hại chính

Cây vải cũng giống như nhiều loại cây trồng khác thường xuyên bị các dịch hại tấn công gây tổn thất về năng suất và chất lượng sản phẩm. Những loài sâu, bệnh hại chính trên cây vải gồm: 

Về sâu hại: Sâu đục cuống quả Conopomorpha sinensis mức độ gây hại của loại sâu này trên vải là rất lớn, tỷ lệ quả vải bị hại khi thu hoạch biến động từ 40-92,5% (tùy thuộc vào giống và thời vụ ra hoa) ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm quả vải; Bọ xít Tessaratoma papillosa;  Rệp hại hoa, quả non Ceroplastes ceriferus; Nhện lông nhung Eriophyes litchi; Sâu đục thân Aristobia testudo; Câu cấu  Platymycterus sieversi.

Về bệnh hại:  Bệnh mốc sương Peronospora sp; Bệnh sém mép lá Gloeosporium sp; Bệnh thán thư Colletotrichum gloeosporioides.

Bảo vệ tổng hợp

Việc phòng trừ các loại dịch hại trên cây vải có tác động rất lớn tới năng suất và phẩm chất sản phẩm. Việc áp dụng Quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây vải là cần thiết, biện pháp hóa học là một trong nhiều biện pháp của Quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp. Trong trường hợp phòng trừ dịch hại bằng thuốc hóa học cần được hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc đại lý bán thuốc BVTV và tuân thủ thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng. (Liên hệ với chúng tôi)